1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hà Nội đề xuất Uber, Grab phải gắn phù hiệu như taxi

(Dân trí) - Hà Nội đề xuất, đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi gồm Uber, GrabTaxi và các đơn vị tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải khách theo hợp đồng là loại xe yêu cầu phải có phù hiệu xe hợp đồng.

Hà Nội muốn quản lý Uber, Grab như với taxi truyền thống?
Hà Nội muốn quản lý Uber, Grab như với taxi truyền thống?

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa công bố dự thảo lấy ý kiến người dân cùng các bộ ngành, tổ chức liên quan thì dịch vụ chia sẻ xe như Uber và Grab sẽ được quản lý tương tự như taxi truyền thống.

Cụ thể, Dự thảo quy định: "Đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi (gồm Uber, GrabTaxi và các đơn vị tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải khách theo hợp đồng) là loại xe yêu cầu phải có phù hiệu xe hợp đồng, đáp ứng các Điều kiện khác theo quy định của pháp luật đối với loại hình xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng".

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, xe Uber và GrabTaxi cũng phải tuân thủ theo quyết định phân luồng tổ chức giao thông như xe taxi.

Quy định này được xem là để nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông của Thành phố.

Cuối tuần qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chính thức yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam không được cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện và đơn vị vận tải để kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.

Theo Bộ này, việc Công ty Uber BV (Hà Lan) ủy quyền cho Uber Việt Nam tham gia đề án thí điểm và thực hiện các yêu cầu của Bộ GTVT nêu trong Quyết định số 24 của Bộ này về "thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng" là chưa phù hợp vì không ràng buộc, xử lý được trách nhiệm của Công ty Uber BV khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng.

Ngoài ra, theo Bộ GTVT, ngành nghề kinh doanh đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Uber VN chỉ bao gồm “hoạt động tư vấn quản lý” và “nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận”, không liên quan đến hoạt động được ủy quyền.

Bộ GTVT còn cho biết, theo báo cáo của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh và Sở GTVT Hà Nội thì đã phát hiện, kiểm tra và xử lý nhiều xe hợp đồng, xe ô tô cá nhân (không có giấy phép kinh doanh vận tải và chưa được cấp phù hiệu) sử dụng phần mềm của Uber để kinh doanh vận tải hành khách (chở khách có thu tiền) không đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Công ty TNHH Uber Việt Nam khi chưa hoàn thiện các nội dung của Đề án để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam thì không cung cấp, phối hợp với các chủ phương tiện, đơn vị vận tải để thực hiện kinh doanh vận tải trái với quy định hiện hành.

Trong khi đó, kể từ cuối tháng 1/2016, Đề án GrabCar của Công ty TNHH Grab Taxi đã được Bộ GTVT phê duyệt: Đủ điều kiện tham gia đề án cung cấp dịch vụ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách được Thủ tướng cho phép áp dụng thí điểm tại 5 địa phương.

Nói về việc Grab “thuận chèo mát mái” với Đề án thí điểm, còn Uber bị từ chối, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết: Đề án thí điểm của Grab là do Chính phủ đồng ý, thực hiện thí điểm ở 3 tỉnh thành phố là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, hiện chưa có đánh giá sau 1 năm triển khai thí điểm.

Ông Nguyễn Hồng Trường cũng khẳng định, không có chuyện thiên vị Grab hay cấm Uber. Bộ GTVT chưa chấp thuận Đề án của Uber Việt Nam vì Đề án chưa đúng quy định. Đặc biệt, Uber chưa có giấy phép kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam.

Phương Dung