1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gỡ nút thắt tiếp cận vốn cho doanh nghiệp tư nhân

(Dân trí) - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư kí hội, ông Tô Hoài Nam cho rằng: “Ngân hàng không thiếu vốn, cái ngân hàng thiếu chỉ là niềm tin với doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên nghịch lý lại ở chỗ, nợ xấu của khu vực DN tư nhân, DNNVV lại thấp hơn so với khu vực khác.”

Phải biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Tháo gỡ nút thắt trong tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 26/7, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: Việc một nửa hoặc trên dưới một nửa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, cho thấy sự đứt quãng trong dòng chảy vốn xã hội cũng như kết nối của các nguồn lực.

Lý giải về nguyên nhân gây đứt quãng này dòng chảy vốn xã hội này, ông Phong đưa ra 3 lý do chính: “Thứ nhất, về mặt khách quan, bản thân doanh nghiệp đó có thể có vốn tự có. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) đó có thể hoạt động nhỏ, chưa có chiến lược đầu tư dài hạn và tự thỏa mãn với mong muốn của chính mình, nhất là các hộ gia đình hay DN rất nhỏ.”


Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần thay đổi trong việc tư duy, đừng nhìn khu vực 70% không tiếp cận được vốn, không đáp ứng được điều kiện vay, là chỗ rủi ro mà nên lọc ra trong đó những DN tiềm năng.

Các chuyên gia cho rằng, ngân hàng cần thay đổi trong việc tư duy, đừng nhìn khu vực 70% không tiếp cận được vốn, không đáp ứng được điều kiện vay, là chỗ rủi ro mà nên lọc ra trong đó những DN tiềm năng.

“Lý do thứ 2 là lãi vay, mặc dù đã hạ nhưng vẫn cao so với nhiều DN nên họ ngại tiếp cận. Cuối cùng là nhóm không đủ điều kiện, bao gồm không đủ tài sản thế chấp, dự án chưa đủ thuyết phục, không tạo được lòng tin cho ngân hàng. Đây có lẽ là một trong những lý do chính khiến DN không tiếp cận được vốn”, ông Phong cho biết thêm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc DN không vay được vốn ngân hàng có ảnh hưởng rất nhiều tới không chỉ 2 bên mà còn ảnh hưởng tới cả xã hội. Cụ thể, vốn xã hội ngân hàng chi phối tới khoảng 80% và gần như 80% vốn của các DN cũng do các ngân hàng cung ứng. Bên cạnh đó, gần 80% thu nhập của ngân hàng cũng từ các hoạt động tín dụng truyền thống mang lại.

“Chính vì thế, tín dụng không tới được DN, trước hết ảnh hưởng tới chính ngân hàng và các DN. Còn ở góc độ vĩ mô, khi các DN không có vốn mở rộng sản xuất và 97% trong hệ thống DN mãi chỉ là DN nhỏ thì toàn bộ nền kinh tế sẽ rất khó có sự tái cơ cấu. Ngoài ra, nền kinh tế không có sức cạnh tranh cũng rất khó có sự tăng tốc tốt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu này”, ông Phong cho biết thêm.

Đặc biệt với xã hội ông Phong nhấn mạnh: “Khi DN không lớn lên được, nền kinh tế không phát triển tốt hơn sẽ ảnh hưởng tới việc làm, nguồn thu ngân sách và vị thế của kinh tế quốc gia.”

Cùng chia sẻ về chủ đề này, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, ông Trần Văn Tần cho hay: “Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chỉ đạo quyết liệt chính sách tín dụng đối với các DNNVV. Khu vực kinh tế tư nhân vẫn là đối tượng khách hàng quan trọng của các tổ chức tín dụng với dư nợ hiện nay là gần 4 triệu tỷ đồng và hàng triệu khách hàng đang còn dư nợ.”

Tiếp cận vốn ngân hàng còn gặp nhiều vướng mắc
Tiếp cận vốn ngân hàng còn gặp nhiều vướng mắc

“Tuy nhiên việc các DN tư nhân không tiếp cận được vốn chủ yếu vẫn do bản thân một số DN năng lực quản trị và khả năng tài chính còn hạn chế, báo cáo tài chính thì chưa được kiểm toán hoặc không công khai minh bạch nên chưa có cơ sở để các tổ chức tín dụng ra quyết định cho vay”, ông Tần cho biết thêm.

Ở góc độ Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư kí hội, ông Tô Hoài Nam cho rằng: “Ngân hàng không thiếu vốn, cái ngân hàng thiếu chỉ là niềm tin với DN. Tuy nhiên nghịch lý lại ở chỗ, nợ xấu của khu vực DN tư nhân, DNNVV lại thấp hơn so với khu vực khác.”

“Thế nhưng, dường như hiện nay, các ngân hàng quá thận trọng, không có 1 chính sách nào đột phá. Và các ngân hàng thương mại đang cố gắng để thay đổi DN chứ chưa thực sự thay đổi mình để phù hợp”, ông Nam nói.

Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, để tháo gỡ những vướng mắc này, ông Nam cho rằng: “Ngân hàng cần thay đổi trong việc tư duy, đừng nhìn khu vực 70% không tiếp cận được vốn, không đáp ứng được điều kiện vay, là chỗ rủi ro mà nên lọc ra trong đó những DN tiềm năng. Bởi vì 2 bên quan hệ với nhau phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, anh cho tôi vay được lãi thì anh phải chấp nhận rủi ro.”

“Ngoài ra, ngân hàng nên thiết kế lại để cho DN vay. Muốn DN đạt chuẩn của ngân hàng thì ngân hàng cũng cần có động thái tăng cường hỗ trợ cho DN”, ông Nam chia sẻ.

Ngoài ra ông Tô Hoài Nam còn khẳng định một thực tế hiện nay, đó là: “Ngân hàng thương mại thích cho DN lớn vay hơn. Trình tự cũng như vậy nhưng cho 1 DN vay 1000 tỷ đồng dễ hơn cho 100 DN vay 1000 tỷ đồng.”

Thế Hưng