1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Giật mình” giá cổ phiếu chủ mạng xã hội Zalo

(Dân trí) - Công ty VNG, đơn vị sở hữu mạng xã hội Zalo vừa công bố kết quả bán cổ phiếu quỹ với mức giá rất “sốc” lên tới trên 1,86 triệu đồng/cổ phiếu, tức cao gấp 186 lần mệnh giá và vượt xa mức 200.000 đồng đang giao dịch trên thị trường phi tập trung.

zalo.jpg

VNG - đơn vị sở hữu mạng Zalo, sẽ thu về hơn 662 tỷ đồng từ đợt bán cổ phiếu quỹ này cho Temasek

Theo thông báo vừa được Công ty CP VNG đưa ra mới đây, doanh nghiệp này đã hoàn tất việc bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ như đã đăng ký trước đó với mức giá giao dịch bình quân 1.861.800 đồng. Mức giá này cao hơn mệnh giá 186 lần và cao hơn 75,5% so với mức giá tối thiểu 1.061.000 đồng mà Đại hội đồng cổ đông VNG đã thông qua vào cuối năm 2018.

Mức giá này cũng cao hơn nhiều so với mức giá của cổ phiếu này đang được giao dịch trên thị trường phi tập trung (OTC). Giao dịch gần nhất của các cổ phiếu này thực hiện vào ngày 5/3 và 6/3 vừa rồi với mức giá 200.000 đồng/cổ phiếu. Với việc bán cổ phiếu quỹ với giá nói trên, VNG thu về 662,5 tỷ đồng.

Bên mua vào là Seletar Investments Pte Ltd. – một thành viên của Temasek, một cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore (thuộc 100% sở hữu Bộ Tài chính Singapore).

Với giao dịch này, Seletar Investments chính thức trở thành cổ đông lớn của VNG với sở hữu 1.740.431 cổ phiếu, tương đương với 6,35% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNG.

Chủ mạng xã hội Zalo cho biết, số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ nói trên sẽ được dùng vào việc tăng vốn lưu để mở rộng và phát triển thị trường, góp vốn, đầu tư hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp khác có cùng lĩnh vực nhằm phát triển sản phẩm, củng cố thị phần và vị trí của công ty này trong ngành công nghiệp internet.

Trên thị trường chứng khoán phiên 26/3, rung lắc đã diễn ra mạnh tại các chỉ số. VN-Index kết phiên với mức giảm nhẹ 0,28 điểm tương ứng 0,03% còn 969,79 điểm còn HNX-Index tăng 0,44 điểm tương ứng 0,41% lên 106,85 điểm.

Tuy vậy, độ rộng thị trường đã nghiêng về các mã tăng giá. Thống kê có 319 mã tăng, 46 mã tăng trần so với 288 mã giảm, 37 mã giảm sàn.

Thanh khoản đạt 175,42 triệu cổ phiếu tương ứng 3.730,47 tỷ đồng trên HSX và 24,09 triệu cổ phiếu tương ứng 310,95 tỷ đồng trên HNX.

Phiên này, trong khi VHM, SAB, MSN, CTG… tăng giá và có tác động tích cực đến chỉ số chính thì ở chiều ngược lại, VIC, GAS, VRE, BID, BVH… lại sụt điểm. Riêng VIC giảm giá khiến VN-Index mất 1,46 điểm.

Theo nhận định của BVCS, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ 950-960 điểm. BVSC vẫn đặt kỳ vọng vào khả năng VN-Index sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu bluechips trong rổ VN30 đã giảm về các vùng hỗ trợ gần trong bối cảnh khối ngoại dự kiến sẽ tiếp tục duy trì hoạt động mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trong một vài tuần tới. Đây có thể sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường trong giai đoạn hiện tại.

Sau một nhịp giảm mạnh, thị trường đang tiệm cận các vùng hỗ trợ mạnh. Do đó, BVSC cho rằng, nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể thực hiện mua lướt sóng T+, ưu tiên các vị thế có sẵn trong danh mục khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ đã được đề cập.

Đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong cần tận dụng các nhịp hồi của thị trường để giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Tỷ trọng danh mục tổng giai đoạn hiện tại nên được khống chế tối đa ở mức 30-35% cổ phiếu.

Mai Chi

“Giật mình” giá cổ phiếu chủ mạng xã hội Zalo - 1