1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá xăng và lương tối thiểu "hích" vào lạm phát tháng 5

(Dân trí) - Đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4 ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tháng 5 tại hai đầu cầu kinh tế, dù được hạn chế bởi lần giảm giá ngày 9/5 nhưng vẫn làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng cao.

Giá xăng và lương tối thiểu hích vào lạm phát tháng 5
Tác động của tăng giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng thể hiện rõ nhất qua mức tăng giá ở nhóm giao thông.

Hôm nay (21/5), số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai đầu cầu kinh tế đều đã dần được tiết lộ. Cụ thể, CPI tháng 5 của Hà Nội đã tăng 0,16% so tháng trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong tháng này có 9 nhóm hàng tăng so tháng trước, 2 nhóm hàng tiếp tục giảm là hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,24%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,03%.

Theo Cục thống kê Hà Nội, chỉ số giá tháng 5 chịu tác động lớn từ xu hướng giá tăng ở 2 nhóm hàng giao thông và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác. 

Trong đó, đợt tăng giá xăng dầu ngày 20/4 ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tháng 5, dù được hạn chế bởi lần giảm giá ngày 9/5 nhưng vẫn làm chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,32%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,75% chủ yếu do ảnh hưởng của điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 1/5 vừa rồi. Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/5 cũng góp phần làm tăng chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, khiến giá cả nhóm này tăng 0,85%.

Đầu hè, một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giấy dép mùa hè, bát đĩa, xà phòng ... có xu hướng tăng nhẹ.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, lạm phát ghi nhận mức tăng 0,06% so tháng trước, tăng 2,49% so tháng 12/2011 và tăng 7,2% so tháng 5 năm ngoái. Trong đó, so tháng trước, khu vực thành thị tăng 0,07%, khu vực nông thôn tăng 0,04%.

Loại trừ 2 nhóm có mức giảm giá là nhà ở , điện, nước chất đốt và đồ uống và thuốc lá với mức giảm lần lượt là 1,64% và 0,06% thì  9 nhóm hàng còn lại đều có mức giá tăng trong đó 6 nhóm tăng cao hơn mức tăng bình quân chung.

Cụ thể, giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,72%, giao thông tăng 1,22%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,3%, thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,16% và ăn, dịch vụ ăn uống tăng 0,1%.

Tuy nhóm hàng ăn và  dịch vụ ăn uống tăng 0,1%, nhưng nhóm hàng thực phẩm và lương thực đều có mức giảm so với tháng trước (hàng lương thực giảm 4 tháng liên tục và hàng thực phẩm là 3 tháng liên tục trong 5 tháng qua).

Mức giá nhiên liệu bình quân chung trong tháng tính từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 ở trung tâm kinh tế lớn nhất đất nước ghi nhận mức  tăng 2,27%.  Các nhóm hàng còn lại đều có mức biến động tăng, giảm không đáng kể. 

Giá vàng ở cả Hà Nội và TPHCM đều giảm mạnh. Trong khi ở TPHCM vàng sụt giá 3,17% thì tại Hà Nội, tỉ lệ này là 1,24%. Trong khi đó, giá USD ở Hà Nội giữ nguyên và tăng 0,13% tại TPHCM.

Bích Diệp