1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Giá vàng: Tương lai ngắn hạn đầy u ám

(Dân trí) - Tâm lý đã gần như đảo ngược. Những người lạc quan nhất lại trở thành kẻ bi quan. Vàng, từ hình ảnh một loại tài sản an toàn nhất, lại đang trở nên rủi ro hơn cả cổ phiếu.

Trong quý 1/2012, gần như chắc chắn, giá vàng trong nước sẽ không thể giữ được mốc 40 triệu đồng/lượng.
 
Giá vàng: Tương lai ngắn hạn đầy u ám - 1
Có nhiều kỳ vọng khá nhau cho tương lai của giá vàng, nhưng trong ngắn hạn khó có gam màu sáng?

 
“Thật bất ngờ là vàng lại không giữ được các mức giá cao trong một môi trường đầy bất ổn như hiện nay. Tôi cho rằng, trong năm 2012, vàng sẽ là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại”, ông Christoph Eibl, người sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu cơ hàng hóa cơ bản Tiberius ở Thụy Sỹ, nhận định.

 

Những người bị bất ngờ như Christoph Eibl không phải là hiếm. Chỉ mới vào các tháng 9-10/2011, làn sóng nhà đầu tư kỳ vọng vào giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng tốc vượt trên 2.000 USD/oz vẫn còn dâng trào. Thậm chí đã có những dự báo cho giá vàng sẽ chắc chắn đạt mốc 2.000 USD/OZ và cuối tháng 12/2011.

 

Nhiều lời đồn đoán còn đi xa hơn thế: giá vàng thế giới có thể lên đến 2.500 USD/oz vào năm 2012, thậm chí đạt đến một cái ngưỡng khó tưởng tượng - 6.000 USD/oz trong tương lai.

 

An toàn nhất hay rủi ro nhất?

 

Năm 2012 vẫn còn ở phía trước, thế nên dự báo vẫn chỉ là dự báo mà chưa có một trải nghiệm nào mang tính thực chất.

 

Chỉ biết rằng cho đến nay, John Taylor chủ tịch của FX Concepts LLC – quỹ đầu tư tiền tệ lớn nhất thế giới – đã trở thành chuyên gia dự báo đúng hơn cả. Cần nhắc lại, vào tháng 10/2011, ông đã là một trong số hiếm hoi chuyên gia dám nêu ra dự báo ngắn hạn cụ thể cho giá vàng: đầu tháng 11/2011, giá vàng có thể chạm mức 1.750-1.800 USD/oz. Dự báo này được ông nêu ra khi giá vàng còn đang kéo ngang ở vùng 1.620-1650 USD/oz.

 

Một trường hợp dự báo gần chính xác nữa là David Banister, nhà đầu tư chiến lược tại ActiveTradingPartners.com. Vào tháng 10/2011, ông cho biết đồ thị kỹ thuật đang hướng vàng trở lại mức cao kỷ lục. Ông là người đã có dự báo tương đối chính xác về đường đi của giá vàng dựa trên đồ thị kỹ thuật, đặc biệt là trong quý 3/2011. Khi đó, ông cho rằng thị trường hiện tại đã hoàn thành đợt điều chỉnh từ mức đỉnh cao đầu tháng 9. “Chúng ta sẽ chứng kiến thị trường lần lượt chinh phục các mức kháng cự quan trọng là 1.775 USD, rồi đến 1.800, 1.840 và sau đó là 1.900 USD/oz trong khoảng 6 – 10 tuần tới”. Về dài hạn, giá sẽ chinh phục đỉnh 2.000 USD/oz trong năm 2012, và sau đó đến 2.380 USD/oz.

 

Hiện tại vẫn luôn tồn tại hai trường phái giá lên và giá xuống. Nhưng nói gì thì nói, quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất SPDR đã không phải là một tấm gương điển hình về sự thành công trong thời gian qua.

 

Chỉ trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2011, SPDR đã bán ròng đến bốn chục tấn vàng, đưa lượng bán ròng lên một kỷ lục trong năm nay. Dĩ nhiên quỹ này đã phải gánh lấy phần lỗ đáng kể từ khi mua vàng ở giai đoạn đi ngang trước đó.

 

Xu hướng bán vàng của SPDR đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư khác, trong đó có những công ty kinh doanh vàng lớn nhất ở Việt Nam như SJC.

 

Trò chuyện với hãng tin CNBC, một nhà giao dịch vàng kỳ cựu khác là Steve Cortes cũng cho biết ông đã bán hết vàng. “Tôi cho rằng vàng sẽ còn giảm giá sâu hơn. Ngưỡng 1.500 USD/oz chưa là gì, giá vàng có thể giảm về 1.000 USD/oz”, ông Cortes nhận định.

 

Bây giờ thì tâm lý đã gần như đảo ngược. Những người lạc quan  nhất lại trở thành kẻ bi quan. Vàng, từ hình ảnh một loại tài sản an toàn nhất, lại đang trở nên rủi ro hơn cả cổ phiếu.

 

Mốc đỉnh 1.920 USD/oz mà giá vàng thế giới đã thiết lập vào tháng 8/2011 ngày càng trở nên xa vời. Từ đó cho đến nay, giá vàng đã mất đúng 20% giá trị đỉnh của nó. Tỷ lệ này là tương đương với những giai đoạn đổ nhào của giá vàng vào năm 2008 và 2010.

 

Nhưng sự đổ nhào như thế đã là tất cả?

 

Bi kịch chưa kết thúc

 

Chưa thể biết chắc chắn là giá vàng sẽ còn xuống bao nhiêu nữa.

 

Nhưng một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC trong nửa cuối tháng 12/2011 đã cho thấy khoảng một nửa trong số 20 nhà dự báo tham gia cuộc điều tra của họ nhận định, giá vàng sẽ giảm về mức 1.450 USD/oz trong quý 1/2012. Thậm chí, có 3 nhà dự báo cho rằng, giá vàng sẽ giảm về 1.400 USD/oz.

 

Xét trên phương diện kỹ thuật, giá vàng hiện đã giảm dưới mức bình quân của 200 ngày, ngưỡng giá mà vàng đã giữ được trong suốt 3 năm qua. Thực tế này dẫn tới số nhà phân tích uy tín cho rằng, vàng bắt đầu đi vào chặng cuối của chu kỳ tăng giá kéo dài trên một thập kỷ.

 

Một cuộc điều tra khác do Reuters tiến hành cũng cho thấy giá vàng có khả năng giảm dưới mức 1.500 USD/oz trong vòng 3 tháng tới đây và khó có thể trở lại mức kỷ lục cho tới nửa sau của năm 2012.

 

Một chi tiết rất đáng tham khảo là bối cảnh xuống dốc của giá vàng lại lồng trong xu thế được giữ ngang của những chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq.

 

Nếu lấy điểm xuất phát tương đồng từ đầu tháng 9/2011 đến nay, trong khi vàng liên tục mất giá thì Dow Jones lại chỉ thua kém mức đỉnh của nó chưa đầy 5%. Không những thế, chỉ số chứng khoán lớn nhất thế giới này lại vừa tạo nên một cú bứt phá ngoạn mục khi vượt được đỉnh gần nhất của nó thiết lập vào tháng 10/2011.

 

Cú bứt phá của Dow Jones là một dấu ấn cực kỳ quan trọng. Nó cho thấy không chỉ thị trường chứng khoán Mỹ mà cả nền kinh tế Mỹ đang có hy vọng thoát khỏi suy thoái trong 6 tháng tới.

 

Kinh tế Mỹ lại kéo theo kinh tế châu Âu. Những vấn đề nợ công và rối loạn xã hội của Hy Lạp và Ý sẽ có khả năng được giải quyết một khi hai nhà nước này nghiêm cẩn duy trì chính sách thắt lưng buộc bụng.

 

Mark Mobius, lãnh đạo của quỹ Franklin Templeton, gần đây đã đưa ra tuyên bố “Khủng hoảng châu Âu không tồi tệ như người ta tưởng”. Ông cũng dự báo cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ kết thúc vào tháng 6/2012.

 

Mọi chuyện đang trở nên ấm dần vào những ngày cuối năm 2011, mở ra hy vọng cho một năm mới không đến nỗi quá tồi tệ như người ta tưởng.

 

Nhưng giá vàng thì lại là một trường hợp dị biệt. Nếu trong suốt 4 tháng qua, giá vàng luôn biến động theo một quy luật đặc thù – tăng cùng với Dow Jones nhưng với biên độ thấp hơn hẳn, giảm cùng với với Dow Jones nhưng với biên độ lớn hơn hẳn – thì đã có khá đủ cơ sở để kết luận về xu hướng suy thoái của giá vàng ít ra trong quý 1/2012.

 

Tương lai của giá vàng chỉ có thể bắt đầu từ cuối quý 2/2012, khi nền kinh tế thế giới bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn hồi phục sau suy thoái.

 

Khi đó, lớp nhà đầu tư trung thành với vàng mới có thể bắt đầu kỳ vọng đối với chuyện vàng sẽ tái chinh phục mốc đỉnh 1.920 USD/oz.

 

Và đó cũng là tương lai ngắn hạn cho giá vàng ở Việt Nam.

 

Trong quý 1/2012, gần như chắc chắn, giá vàng trong nước sẽ không thể giữ được mốc 40 triệu đồng/lượng.

 

Hà Giang