1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Giá vàng "hạ nhiệt" sau khi tăng 1,7 triệu đồng/lượng trong tuần

(Dân trí) - Sáng nay 25/8, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp vàng niêm yết giao dịch ở quanh mốc 44,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi nhiều so với chốt phiên chiều qua. Tính chung tuần này, giá vàng tăng 1,7 triệu đồng/lượng.

Vàng đang giao dịch quanh vùng giá 44,2 triệu đồng/lượng.
Vàng đang giao dịch quanh vùng giá 44,2 triệu đồng/lượng.
 
Lúc 9h15 sáng nay 25/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP SJC Hà Nội niêm yết giao dịch ở mức 44,08 triệu đồng/lượng (mua vào) - 44,22 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 40.000 đồng/lượng so với chốt phiên chiều qua.

Tại thị trường TPHCM, giá vàng SJC được Công ty VBĐQ Sài Gòn - SJC niêm yết ở mức 44 triệu đồng/lượng - 44,2 triệu đồng/lượng, không đổi so với mức giá chốt chiều qua.

Cùng hệ thống với Công ty VBĐQ Sài Gòn - SJC, giá vàng SJC tại các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau, Kiên Giang… niêm yết cùng mức 44 triệu đồng/lượng - 44,22 triệu đồng/lượng.

Như vậy, so với tuần trước, giá vàng SJC tăng 1,68 triệu đồng/lượng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định giao cho Công ty VBĐQ Sài Gòn - SJC được gia công vàng miếng với khối lượng của loại vàng miếng theo quyết định của NHNN trong từng thời kỳ.

Một trong những quy định đáng chú ý là, nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC ngoài vàng nguyên liệu của NHNN, vàng miếng được NHNN cho phép sản xuất trong từng thời kỳ (trừ vàng miếng SJC) còn có vàng miếng SJC đã sản xuất song không đủ trọng lượng, bị cắt dũa, mài mòn; bị trầy xước; bị đóng thêm các dấu hiệu, ký hiệu không phải của SJC và bị biến dạng. Khi có nhu cầu, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng gửi văn bản đề nghị NHNN cho phép chuyển đổi vàng miếng khác có nguồn gốc hợp pháp, hợp lệ thành vàng miếng SJC.

Trước đó, khoảng từ ngày 13/8, Công ty VBĐQ Sài Gòn thông báo và từ chối mua vào vàng miếng SJC bị móp méo với lý do “hết tiền”. Việc công ty này thông báo dừng mua vàng móp méo trong thời điểm giá vàng tăng cao lên mức 42,5 triệu đồng/lượng - mức cao nhất 2 tháng qua - đã gây xôn xao dư luận và lo lắng đối với đại đa số người dân đang nắm giữ vàng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã phải lên tiếng trấn an dư luận: “Tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC. Doanh nghiệp và người dân đừng vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi”.

Trở lại với diễn biến trên thị trường vàng hiện nay, giá vàng giao ngay trên Kitco đứng ở 1.670,7 USD/ounce, giảm 0,4 USD so với giá chốt phiên trước đó. Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 12 tăng nhẹ 10 cent lên 1.672,9 USD/ounce. Khối lượng giao dịch thấp hơn 35% so với trung bình 30 ngày.

Tính chung tuần này, vàng tăng tổng cộng 3,4%, là tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 1. Giá vàng lên cao nhất 4 tháng phiên ngày 23/8 khi nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa thêm gói nới lỏng tiền tệ lần 3 vào tháng 9 tới.

Giới chuyên gia cho rằng, việc nới lỏng tiền tệ (nếu có) của Fed tương đương với việc in thêm để mua trái phiếu chính phủ và giữ lãi suất dài hạn ở mức thấp. Điều này có thể làm lạm phát tăng mất kiểm soát và vàng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư. Lịch sử cho thấy giá vàng tăng gấp đôi trong thời gian Fed tung ra hai gói nới lỏng tiền tệ trước đó.

Theo dữ liệu từ Reuters, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ tín thác vàng hiện lên kỷ lục 2.216,3 tấn.

An Hạ