1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gia nhập TPP: Nông nghiệp Việt giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống

(Dân trí) - “Nếu Việt Nam gia nhập TPP, ngành nông nghiệp sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển toàn diện. Đồng thời, chúng ta cũng được hưởng nhiều lợi thế khi hợp tác với những ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ngày 28/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội Thảo “Tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội để các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà chính sách có cái nhìn tổng thể hơn về cơ hội và thách thức của nông nghiệp và lao động trước thềm Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu được giảm thuế về 0%, hoặc còn duy trì ở mức thấp và có lộ trình giảm. Do đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại, nhưng lại không phải là thành viên của TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, đồ gỗ, cao su, điều, tiêu…

Đây sẽ là cơ hội tốt để Vệt Nam mở rộng thị trường nông nghiệp đến các quốc gia tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng không ổn định. Bên cạnh đó, trong thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam còn có thể điều chỉnh linh hoạt, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, hạn chế tình trạng được mùa mất giá”.

Ông Hà Công Tuấn nhìn nhận, khi gia nhập TPP Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức vì nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô. Việc tham gia TPP không chỉ mang đến cơ hội giảm thuế quan cho riêng Việt Nam mà tất cả các đối tác. Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu nông sản hàng hóa từ các nước TPP vào nước ta sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn cho sản xuất trong nước. Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong TPP sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam”.

Không chỉ khó khăn về việc cạnh tranh sản phẩm, nguồn lao động hiện nay của Việt Nam cũng gặp phải những rào cản to lớn khi gia nhập TPP. Hầu hết trình độ nguồn nhân lực hiện nay của nước ta còn kém, khả năng đáp ứng chuẩn mực về lao động theo Tổ chức Lao động quốc tế chưa cao. Do đó, để gia nhập TPP thì lao động Việt Nam cũng cần phải được cải thiện. Trình độ, kỹ năng người lao động cũng sẽ được cải thiện tốt hơn trong môi trường cạnh tranh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, cũng cần bám sát các tiêu chuẩn, quy định về Lao động trong TPP để có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cần sớm công bố rộng rãi những kiến thức cơ bản và các quy định của TPP cho người dân cũng như doanh nghiệp trong nước, nhất là tuyên truyền sâu, rộng những thách thức, thuận lợi, lộ trình giảm thuế, mở cửa của thị trường. Đặc biệt tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.

Trung Kiên

Gia nhập TPP: Nông nghiệp Việt giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống - 2

 

Dòng sự kiện: Kết thúc đàm phán TPP