1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Giá hợp lý” ngoại tệ là bao nhiêu?

Động thái ra tay chấn chỉnh các giao dịch ngoại tệ tự do đã có những tác dụng tốt: tỉ giá phi chính thức sụt xuống, sát gần hơn tỉ giá ngân hàng.

Tuy nhiên, lại nảy sinh một vấn đề mà trước đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa dự liệu phương án xử lý: người dân sẽ đến địa chỉ nào để đổi ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của mình khi “chợ đen” đóng cửa?

Trên website NHNN, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Nguyễn Quang Huy nói: “Theo quy định, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... ở nước ngoài thì có thể đến ngân hàng để mua. Trên cơ sở hồ sơ, chứng từ hợp lệ, các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp của cá nhân”.

Ý kiến đó là đúng về... lý thuyết nhưng thực tế nhiều người dân đã đến hàng chục ngân hàng, xuất trình vé máy bay và các chứng từ chứng minh nhu cầu ngoại tệ hợp pháp song vẫn không được đáp ứng...

Ai cũng biết mua được ngoại tệ tại ngân hàng theo tỉ giá quy định là một điều lý tưởng, song để thực hiện điều đó cực khó nên người dân mới phải tìm ra “chợ đen” với tỉ giá cao hơn. Chấp thuận bỏ “chợ đen” để vào ngân hàng cho lành mạnh (và có lợi), thế nhưng người dân lại bất ngờ với giải thích của đại diện NHNN khi cho rằng “việc thực hiện giao dịch ngoại tệ tiền mặt cũng làm phát sinh nhiều chi phí cho các ngân hàng, như chi phí xuất nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, chi phí kiểm đếm, bảo quản, bảo đảm an toàn, chi phí do đọng vốn...”.

Như vậy có thể khẳng định ngoại tệ không thiếu! Người dân khó mua có lẽ chỉ vì chưa rõ các loại chi phí hoán đổi ngoại tệ mà đại diện NHNN liệt kê sẽ do ai chi trả: Người dân hay ngân hàng? Có vẻ như phần thiệt lại thuộc về người dân khi đại diện NHNN nói rằng “NHNN đang cân nhắc một số giải pháp để tạo điều kiện cho cá nhân có thể mua được ngoại tệ tiền mặt tại ngân hàng với giá hợp lý”.

Quyết định điều chỉnh tỉ giá một tháng trước đây được giải thích rằng để “hợp thức hóa tỉ giá thực tế”. Neo theo đó, cộng với tính đủ chi phí, các ngân hàng thương mại niêm yết mỗi USD bán ra khoảng 20.890 đồng.

Nay sau khi “chợ đen” đóng cửa, lẽ ra NHNN phải yêu cầu (bằng thông tư) để buộc các ngân hàng bán đủ ngoại tệ cho dân theo giá niêm yết chứ không phải “tùy thuộc vào khả năng” hay “giá hợp lý”. NHNN càng không thể “bật đèn xanh” cho tính phí để rồi chính các ngân hàng thương mại lại thành “chợ đen” thứ hai?!

Bằng Lĩnh
Báo PL TPHCM