1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gia đình ông Trần Bắc Hà mua 100.000 cổ phần BIDV

(Dân trí) - Thông tin "bên lề" này được ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch BIDV đưa ra trong buổi Thông báo kết quả đấu giá cổ phần BIDV chiều muộn ngày 29/12.

Ông Hà cho biết, ngoài 3.000 cổ phần ưu đãi nhờ vào thâm niên công tác 30 năm của ông, gia đình ông đã đặt mua 100.000 cổ phần trong phiên đấu giá ngày 28/12 và mua thành công với giá 18.600 đồng/cổ phần.
 
Gia đình ông Trần Bắc Hà mua 100.000 cổ phần BIDV - 1
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà (giữa) trong buổi công bố kết quả IPO chiều 29/12

Mức giá mà đại diện gia đình ông Hà đặt mua cao hơn mức giá đấu thành công bình quân 417 đồng/cổ phần.

Xác nhận thông tin mà Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa ra: 84.754.146 cổ phần của BIDV đã được đấu giá thành công với mức giá bình quân 18.583 đồng/cổ phần, ông Trần Bắc Hà cho biết ông "thở phào" với sự thành công này và nói rằng đây là phiên đấu giá với nhiều "cái nhất".

Điển hình một số "cái nhất" mà Chủ tịch BIDV đưa ra là: thời gian triển khai nhanh nhất (21 ngày làm việc kể từ khi được Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa), có tỷ lệ phiếu bỏ thầu hợp lệ cao nhất (99,91%) và nhà thầu hợp lệ cao nhất (99,75%), là doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất khi IPO, là phiên đấu giá thành công nhất trong điều kiện thị trường chứng khoán khó khăn...

"Đây là thành công ngoài mong đợi. Thực tế, vào thời điểm BIDV mở thầu sáng 28/12, sàn Hà Nội rực xanh và chỉ số HNX tăng 2,8 điểm", ông Hà bình luận.

Theo dự kiến của BIDV, ngày 8/3/2012 sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên, và hoàn tất các thủ tục để trở thành ngân hàng thương mại cổ phần trong tháng 4/2012. Lộ trình tái cấu trúc BIDV sẽ tiếp tục vào tháng 6/2012 với việc niêm yết trên sàn chứng khoán và cuối năm tới sẽ công bố kết quả bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cũng trong buổi trao đổi thông tin chiều 29/12, BIDV đã công bố chi tiết các chỉ tiêu cơ bản năm 2012, trong đó đáng chú ý là lợi nhuận trước thuế đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 35% so với mức gần 4.300 tỷ đồng của năm 2011. Chỉ số ROE, vốn ở mức thấp 13% trong năm 2011, được nâng lên 17% theo kế hoạch công bố, và thực tế kế hoạch điều hành thì con số này là 18%.

Giải thích cho việc đưa ra các chỉ tiêu cao và tăng mạnh so với năm 2011 trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo khó khăn, lãnh đạo BIDV cho biết đó là mức khả dĩ vì trong năm 2011 BIDV đã nâng mức trích quỹ dự phòng rủi lên 4.800 tỷ đồng, nên lợi nhuận và ROE giảm đi nhưng điều đó đã tạo ra tiềm lực tài chính mạnh cho năm tới.

Hồng Kỹ