1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

GDP tăng 5,5%, lạm phát 8% trong năm 2013

(Dân trí) - Sáng nay 8/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 15 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2013 với mức tán thành lên tới 91,37%. Trong đó, GDP tăng khoảng 5,5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP…

Đầu giờ sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Với 91,37%% đại biểu tán thành, các chỉ tiêu chủ yếu năm 2013 đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP.

Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49%;Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 16%; Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22 giường; Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 84%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%.

Về mục tiêu tổng quát năm 2013, 90% đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung như: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, toàn bộ Nghị quyết cũng đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 91,77% đại biểu tán thành.

Trước đó, báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch năm 2013 cho thấy: Trong số những nguyên nhân chủ quan mà báo cáo Chính phủ nêu ra, việc Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc kiểm điểm, nhận trách nhiệm về những yếu kém trong điều hành của Chính phủ được các vị đại biểu đánh giá cao. Song các đại biểu cho rằng, yếu kém này vẫn chưa được làm rõ và đã được nêu từ rất nhiều năm nay nhưng chưa được thực sự quan tâm, khắc phục như việc thiếu tầm nhìn, thiếu những định hướng phát triển theo chiều sâu; chưa đặt ra các bài toán cụ thể, chưa phân tích thấu đáo về các nguồn lực để có giải pháp thích hợp; sự yếu kém trong công tác kiểm tra, thanh tra; năng lực trình độ quản lý của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, đạo đức một bộ phận cán bộ suy thoái; còn tình trạng chạy chức chạy quyền; việc chấp hành pháp luật, chính sách, kỷ luật, kỷ cương thực hiện chưa nghiêm…

Phần lớn ý kiến đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức 8%, nhưng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm để trong thời gian còn lại của năm 2012 duy trì được kết quả một con số này.

Trong số 15 chỉ tiêu đề ra, nhiều ý kiến cho rằng việc 5 chỉ tiêu quan trọng không đạt được như kế hoạch, nhất là tốc độ tăng trưởng, tổng vốn đầu tư đạt thấp phản ảnh sự thiếu hụt năng lực sản xuất, tạo ra những điều kiện không thuận cho phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, sản xuất có khả năng tiếp tục trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao; đời sống của người dân khó được cải thiện. Do đó, cần làm rõ mức độ tác động, ảnh hưởng của những yếu tố, nguyên nhân dẫn đến việc không đạt những chỉ tiêu quan trọng nói trên, nhất là những nguyên nhân với tính chất là hệ quả trái chiều của các chính sách thắt chặt để từ đó có giải pháp điều chỉnh mức độ, liều lượng, phạm vi của chính sách cho linh hoạt, kịp thời trong thời gian tới.

Khả năng dự báo thiếu chính xác có thể dẫn đến việc nhận định và quyết sách không đúng, sát với thực tế vẫn là vấn đề gây nhiều băn khoăn, lo lắng đối với đại biểu Quốc hội. Có ý kiến cho rằng cần có dự báo cụ thể hơn về tình hình kinh tế của các nước trên thế giới và trong khu vực để có thêm cơ sở đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ năm 2013, có thể tận dụng cơ hội trong bối cảnh kinh tế ở các nước gặp thách thức, khó khăn.

Nguyễn Hiền