1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Quảng Nam:

Gặp cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng nấm

(Dân trí) - Cựu chiến binh Huỳnh Công Phượng (trú thôn Tú Cẩm, xã Bình Tú, Thăng Bình) đã thành công với mô hình trồng nấm tại quê nhà, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Ông Huỳnh Công Phượng đã gắn bó với nghề trồng nấm gần chục năm nay, ban đầu ông trồng nấm rơm, nấm sò trắng rồi đến nấm sò tím và gần đây nhất là nấm linh chi. Mỗi năm, gia đình ông sản xuất ra hơn 17 tấn nấm các loại, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Nguyên liệu sản xuất nấm là mùn cưa, mùn cây cao su
Nguyên liệu sản xuất nấm là mùn cưa, mùn cây cao su

Để nâng cao hiệu quả và cải tiến sản xuất, ông đầu tư gần 200 triệu đồng sắm sửa trang thiết bị để việc sản xuất an toàn, hiệu quả, tiết kiệm nhân công. Hiện hai nhà nuôi trồng nấm (mỗi cơ sở chừng 500m2), có máy hấp tiệt trùng, có hệ thống nước giữ ẩm cho nhà nuôi trồng, xe vận chuyển nguyên liệu cũng như sản phẩm thu hoạch giúp ông rút ngắn thời gian vận chuyển.

Lò hấp hiện đại với công suất 500 bịch phôi một lần hấp, hiệu quả cao và giữ nhiệt độ ổn định,…so với cách hấp thùng phuy thông thường
Lò hấp hiện đại với công suất 500 bịch phôi một lần hấp, hiệu quả cao và giữ nhiệt độ ổn định,…so với cách hấp thùng phuy thông thường

Từ sản xuất nấm sò trắng, nắm bắt được nhu cầu thị trường ông Phượng chuyển sang dòng nấm sò tím đang được ưa chuộng hiện nay, giá cũng cao hơn. Hiện mỗi đợt làm sò tím, cơ sở ông ươm, nuôi trồng hơn 20.000 bịch phôi giống. Mỗi bịch phôi giống nếu thời tiết thuận lợi cho ra chừng 4 - 5 lạng nấm. Giá thị trường hiện nay dao động từ 30-35 ngàn đồng/kg.

Nguyên liệu sản xuất nấm là mùn cưa, mùn cây cao su được ông nhập về từ Gia Lai với số lượng lớn. Nguyên liệu sau khi trồng sò tím được tái sử dụng để sản xuất nấm rơm nhằm tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Mùa nấm sò thuận lợi nhất là mùa mưa và thời điểm khí trời mát mẻ, từ tháng 8 năm trước tới tháng 3 năm sau.

Gặp cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng nấm - 3
Phôi nấm sò tím
Phôi nấm sò tím

Ông Phượng đến với nghề trồng nấm linh chi từ năm 2013 khi con ông, anh Huỳnh Bá Thuần (SN 1988) đang theo học chuyên ngành trồng nấm tại Trường Cao đẳng Lương thực - Thực Phẩm Đà Nẵng. Đọc tài liệu con trai mang về, ông Phượng mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng nấm linh chi và lên mạng học hỏi thêm. Có chỗ chưa hiểu, ông lại ra tận Đà Nẵng gặp giảng viên của con để trao đổi thêm.

Rồi cơ sở trồng nấm linh chi của ông ra đời, rộng 500m², có quy mô sản xuất hàng chục bịch phôi nấm mỗi đợt. So với sò tím, nấm linh chi có quy trình sản xuất không khác nấm sò là mấy nhưng quy trình ủ bột đòi hỏi kỳ công hơn, phối trộn dinh dưỡng nhiều hơn và yêu cầu về nhiệt độ, độ ẩm cũng khắt khe hơn.

Gặp cựu chiến binh làm giàu từ nghề trồng nấm - 5
Nấm linh chi
Nấm linh chi

Mỗi vụ, ông sản xuất từ 7-8.000 bịch nấm linh chi, thu hoạch 2 đợt/năm, cho ra 3-4 tạ nấm. Với giá bán dao động từ 700-800 ngàn đồng/kg nấm linh chi khô (trung bình 3 ký nấm tươi được 1 ký nấm khô), mỗi vụ nấm linh chi trong năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Nghề sản xuất nấm sò tím, nấm rơm và linh chi, mỗi năm giúp cơ sở ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Phượng chia sẻ: “Trồng nấm không khó, cái khó ở đây là sự kiên trì và đam mê với cây nấm. Ở khâu nguyên liệu nên chọn mùn cưa của cây cao su, trộn với vôi và độ ẩm đạt từ 60-70%, lò hấp phải được khử trùng cần đảm bảo nhiệt độ 100ºC trong vòng 12 tiếng. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Khu ủ tơ và nuôi trồng phải thông thoáng, nhiệt độ trong trại luôn giữ từ 25-30ºC. Thời gian thu hoạch nấm linh chi từ 4-6 tháng, nấm sò là 3 tháng”.

Theo ông Trịnh Xuân A - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Tú (Thăng Bình, Quảng Nam), đến nay toàn xã Bình Tú có hơn 26 hộ trồng nấm các loại theo mô hình gia trại, hầu hết là nấm rơm, nấm sò, nấm linh chi... Người trồng nấm có thu nhập cao hơn so với sản xuất lúa, thu nhập mỗi lao động trồng nấm đạt gần 14 triệu đồng/năm.

“Trạm Khuyến nông huyện sẽ tổ chức tập huấn cả thời vụ theo chu kỳ cho người trồng nấm, dù khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm liên kết hình thành tổ dịch vụ để hỗ trợ kỹ thuật người trồng nấm, tìm đầu ra ổn định hơn”, ông A nói.

N.Linh