1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gạo ĐBSCL thiếu cái người ta cần, thừa cái người ta không mua

(Dân trí) - “Lúa sản xuất ra không đủ để bán chứng tỏ ĐBSCL không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo nhưng lại thiếu cái người ta cần và thừa cái người ta không mua”, đó là phát biểu của ông Phạm Thái Bình -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ).

ĐBSCL có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn 40% sản lượng toàn quốc, trong đó lúa chiếm 56% của cả nước
ĐBSCL có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn 40% sản lượng toàn quốc, trong đó lúa chiếm 56% của cả nước

Nhằm giới thiệu tiềm năng và tăng cường thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp chế biến, thương mại, hôm qua (12/12), tại Cần Thơ diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm vùng ĐBSCL do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Cần Thơ chủ trì tổ chức.

Tại hội nghị này, nhiều đại biểu và chuyên gia đều nhận định ngành công nghiệp thực phẩm tại ĐBSCL còn rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hết, một trong những nguyên nhân là do lĩnh vực sản xuất, chế biến, nâng cao chuỗi giá trị thực phẩm chưa được đầu tư tương xứng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, bộ công thương cho biết, hiện ĐBSCL thu hút được 1.411 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí hơn 20 tỷ USD. Trong đó, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài chiếm khoảng 65 % còn lại là liên doanh, hợp đồng BOT, BT, hợp tác kinh doanh.

Ông Phú cho rằng: Những năm qua, hoạt động xúc tiến đầu tư – thương mại của khu vực này được lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng đặc biệt quan tâm, qua đó tạo được những đột phá. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế như, liên kết chưa thật sự đi vào chiều sâu, tính hiệu quả chưa cao, vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch và hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp còn thấp”.

Ông Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc VCCI Cần Thơ (bên phải) đang nói về những cơ hội phát triển ngành thực phẩm ĐBSCL.
Ông Nguyễn Phương Lam - Phó giám đốc VCCI Cần Thơ (bên phải) đang nói về những cơ hội phát triển ngành thực phẩm ĐBSCL.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Lam – Phó giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết: ĐBSCL có thế mạnh là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, chiếm hơn 40% sản lượng toàn quốc, trong đó lúa chiếm 56% của cả nước; Xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo mỗi năm; Thuỷ sản 3,62 triệu tấn chiếm 57% của cả nước và có hơn 300 nghìn ha rau quả và trái cây từ đó hình thành một số chuỗi giá trị xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ông Lam cũng cho biết, ngành thực phẩm đang có những cơ hội như, được Chính phủ lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó ngành nông nghiệp làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm là chủ đạo. Tuy nhiên, theo ông Lam, mặc dù có lợi thế là vùng nguyên liệu lớn nhưng ĐBSCL vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư bởi còn thiếu định hướng trong quy hoạch phát triển ngành lương thực, thực phẩm cấp địa phương; Thiếu doanh nghiệp đủ tầm trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm; thiếu các tổ chức đánh giá, tổng hợp để tham mưu chính sách…

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, ông Phạm Thái Bình cho rằng, ĐBSCL là nơi rất trù phú, rất có tiềm lực. Lúa sản xuất ra không đủ để bán chứng tỏ ĐBSCL không phải thừa gạo mà vẫn thiếu gạo nhưng lại thiếu cái người ta cần và thừa cái người ta không mua.

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (giữa) cho rằng Gạo ĐBSCL thiếu cái người ta cần, thừa cái người ta không mua
Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (giữa) cho rằng Gạo ĐBSCL thiếu cái người ta cần, thừa cái người ta không mua

Hiện nay, có rất nhiều đối tác ở Trung Quốc, Australia, châu Âu... muốn mua gạo của Việt Nam nhưng không có đủ nguồn cung đạt chuẩn để cung ứng, trong khi lượng gạo dư thừa lại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Bình đề xuất, “Nếu chúng ta muốn có chuỗi giá trị sản phẩm thì chúng ta hãy làm ngay chuỗi giá trị sản xuất. Việc đó chúng ta phải làm đầu tiên. Chúng ta chỉ cần làm đúng chuỗi giá trị có hàng hóa thì tự nhiên sẽ có thị trường và tự nhiên chúng ta sẽ có đầu ra”.

Ông Oleg Marinov, Tham tán thương mại Đại sứ quán Bulgaria thông tin: Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường EU đang phải đối mặt với nhiều rào cản, vì nhiều mặt hàng thực phẩm từ Việt nam không đạt được vị thế vững chắc trên thị trường EU. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam như chè, rau, hoa quả… vẫn còn nhiều hạn chế do dư lượng thuốc trừ sâu, trong khi EU là thị trường khó tính và đặt ra tiêu chuẩn rất cao.

Ông Oleg Marinov đề nghị, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh việc tái cấu trúc sản xuất, thay đổi trong canh tác, sản xuất và chế biến để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các thị trường như EU.

Phạm Tâm

Gạo ĐBSCL thiếu cái người ta cần, thừa cái người ta không mua - 4