1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Gần 6.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 1 tháng

(Dân trí) - Trong khi tăng trưởng tín dụng mới chỉ bằng 1/3 mục tiêu đặt ra đầu năm thì vấn đề nợ xấu vẫn vô cùng nan giải với cơ quan điều hành. Tình trạng ách tắc đã khiến hàng nghìn doanh nghiệp buộc dừng hoạt động và giải thể, ảnh hưởng thu NSNN.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến 20/11/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 15,33% so với tháng 12/2011. Trong khi tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 15,98% thì dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) ước tăng 4,15% so cuối năm 2011.

Mức tăng trưởng tín dụng hiện nay chỉ bằng khoảng 1/3 so với mục tiêu mà chính phủ đặt ra hồi đầu năm là 12-15%. Điều này phần nào cho thấy sự bế tắc của chu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp. Trong khi đó, tại các ngân hàng, hoạt động tín dụng chiếm 70-80% lợi nhuận thì nhà băng cũng không thể cho vay mạnh tay do mối lo ngại nợ xấu và khả năng thu hồi vốn khó đạt được, giữa bối cảnh môi trường kinh doanh ngày một khó, "sức khỏe" hầu như đang rất yếu. Sự tắc nghẽn này làm khó cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Khó giải quyết cục máu đông nợ xấu để lưu thông luồng vốn.
Khó giải quyết "cục máu đông" nợ xấu để lưu thông luồng vốn.

Chỉ tính từ 20/10 đến 20/11/2012, cả nước đã có gần 5.870 doanh nghiệp dừng hoạt động và giải thể, tăng 6,6% so với tháng trước - so con số doanh nghiệp thành lập là 5.800 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký trên 25.500 tỷ đồng.

Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước (NSNN). Thống kê đến 15/11/2012, tổng thu NSNN mới chỉ đạt 80,1% dự toán với 593.420 tỷ đồng (kết quả đạt được cùng kỳ năm 2011 là 98,5%; 2010 là 98,7%). Trong đó, so dự toán, thu nội địa chỉ ở mức 76,9%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ 69,9% (thấp hơn rất nhiều so các năm).

Việc cởi bỏ "nút thắt" nợ xấu để lưu thông dòng vốn trong nền kinh tế đã được sự tham vấn của chuyên gia và các cơ quan điều hành bàn bạc nhiều lần, tuy nhiên, phương án điều trị dứt điểm là chưa có.

Theo ước tính của NHNN, mặc dù con số nợ xấu đã được giải quyết từ đầu năm đến nay khoảng 36.000 tỷ, nhưng con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012 vẫn chiếm vào khoảng từ 8,8-10% trên tổng dư nợ. Trong số này, 84% nợ xấu là có tài sản đảm bảo.

Trao đổi với phóng viên tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra chiều ngày 29, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do nợ xấu liên quan tới nhiều vấn đề, nằm trong mối quan hệ tổng thể nên phải bằng giải pháp tổng thể mới có thể giải quyết được.

Theo đó, để giải quyết nợ xấu, một mặt cần phải có những phân tích khách quan, mặt khác, quan trọng hơn là các giải pháp đề ra cần một lộ trình phù hợp và hiệu quả.

"Nhưng cần lưu ý rằng nợ xấu liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như hàng tồn kho, bất động sản... do vậy, rất khó để chỉ thông qua một giải pháp mà có thể giải quyết được".

Dẫn một số phương án, người phát ngôn Chính phủ nói, trước hết, các ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình theo đúng quy định pháp luật để giải quyết từng món nợ xấu một tại từng doanh nghiệp.

Một trong những phương án cần đề cập tới là giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản. Do nhu cầu phát triển kinh tế một cách bức thiết, các địa phương đã huy động doanh nghiệp tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Hiện nay, con số nợ đọng này khoảng 90.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, do nợ xấu chủ yếu nằm phần lớn ở Bất động sản. Chính phủ đã có chỉ đạo giải pháp tập trung để chuyển đổi mục đích, thậm chí điều chỉnh công năng sử dụng của các dự án để tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp mua được nhà.

Hiện nay, các ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro, quy mô khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng. Nguồn này được đề xuất dùng để giải quyết với từng khoản nợ tại từng doanh nghiệp. "Suy cho cùng, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và nếu doanh nghiệp vì nợ xấu không phát triển được thì ngân hàng cũng bị hệ lụy theo" - Bộ trưởng Đam nhìn nhận.

Bích Diệp