1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Gần 290 tỷ đồng cổ phiếu EIB “giao dịch bí mật”, STB tăng điểm mạnh

(Dân trí) - Thỏa thuận tại EIB chiếm tới 87,8% tổng giao dịch thỏa thuận ở HSX. STB có lúc tăng trần, tăng điểm mạnh 4,2%. Các cổ phiếu ngân hàng khác diễn biến trái chiều khi chờ đợi thông tin hạ lãi suất từ NHNN.

Phiên giao dịch sáng đầu tuần 17/12/2012, EIB bất ngờ thỏa thuận "khủng" 18,53 triệu cổ phiếu tại mức giá xanh 15.000 đồng. Trị giá lô thỏa thuận này đạt 288,16 tỷ đồng.

Khối lượng thỏa thuận tại EIB chiếm tới 87,8% tổng giao dịch thỏa thuận trên HSX. Phiên buổi sáng này, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch thỏa thuận ở HSX là 21,11 triệu đơn vị, tương ứng 349,41 tỷ đồng.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Tại HNX, SCR cũng được thỏa thuận 1,31 triệu đơn vị tại mức giá trần, đạt trị giá 7,41 tỷ đồng; chiếm trên 40,5% tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận ở HNX.

Ở phương thức khớp lệnh SCR được khớp trên 5 triệu cổ phiếu, tăng trần lên 5.700 đồng và cuối phiên không có dư bán, dư mua còn tới trên 2 triệu đơn vị ở mức giá xanh.

Từ đầu tháng đến nay (không kể phiên sáng này) SCR chỉ duy nhất có một phiên mất điểm nhẹ 100 đồng vào hôm 13/12, trong khi có tới 4 phiên tăng trần, và 7 phiên có giao dịch trên 4 triệu đơn vị, 2 phiên khớp trên 8 triệu cổ phiếu.

Trong khi đó, EIB tăng nhẹ 100 đồng, khớp 225,5 nghìn đơn vị. Khớp lệnh đối với EIB  thường ít khi lên đạt tới 500 nghìn đơn vị mỗi phiên trong vòng 2 tháng trở lại đây.

STB sau thông tin con trai ông Trầm Bê là ông Trầm Trọng Ngân đăng ký thoái toàn bộ 48 triệu cổ phiếu, tăng tới 800 đồng mỗi cổ phiếu lên 19.800 đồng. Trong phiên, cổ phiếu này có lúc đã chạm đến mức giá trần 19.900 đồng (tăng 4,7%).

STB mới đây cho biết, sẽ chi thưởng lương tháng 13 trong vài ngày tới giữa bối cảnh doanh thu, lợi nhuận toàn ngành dự kiến đạt thấp.

Một số mã ngân hàng khác như SHB và MBB đứng giá tham chiếu, CTG bất ngờ giảm sàn, mất 1.000 đồng/cp, bị bán mạnh giá sàn. Cuối phiên, dư bán giá sàn ở CTG lên tới 810,4 nghìn đơn vị. ACB mất 400 đồng còn 16.400 đòng mỗi cổ phiếu. Tăng mạnh ngoài STB còn có VCB tăng 1.000 đồng.

Giao dịch ở các mã ngân hàng ngoài SHB còn lại đều rất thấp. SHB phiên này tiếp tục được giao dịch gần 7,4 triệu cổ phiếu. Căn cứ vào giao dịch khối ngoại tại ngân hàng này - bán ròng hơn 20 phiên liên tục, đang tồn tại nghi án việc Deustche Bank đã thoái vốn khỏi SHB trong suốt mấy phiên vừa qua.

Mặc dù vậy, mức cầm cự của SHB trên mức giá 5. cho thấy cầu nội cổ phiếu này vẫn đạt cao. Triển vọng lạc quan là Bianfishco, doanh nghiệp được SHB rót vốn tái cơ cấu chính, sau khi trả xong 261 tỷ đồng tiền cá cho nông dân đã công bố mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD trong năm tới.

Với nhiều khuyến nghị được đưa ra, cho rằng các điều kiện để hạ lãi suất đã sẵn sàng, nhiều khả năng, thời gian gần sắp tới, NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành xuống thêm 1%. Đây cũng là thông tin được các nhà đầu tư đang chờ đợi. Việc hạ lãi suất sẽ tiến thêm một bước giúp các doanh nghiệp cải thiện tiếp cận vốn vay, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi được cho là sẽ không ảnh hưởng tới việc huy động vốn của ngân hàng thương mại, kể cả khi lãi suất thực dương bằng 0.

Tại nhóm cổ phiếu tài chính, KLS mất 200 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị trong khi trụ cột VND tăng 100 đồng, khớp 1,63 triệu đơn vị; SHS tăng 200 đồng, khớp trên 1 triệu đơn vị.

PVF tăng trần lên 7.900 đồng và được khớp tới 2,16 triệu cổ phiếu, không còn dư bán cuối phiên, cầu giá trần còn 355,48 nghìn đơn vị. Hiện Nhiệt điện Phả Lại (PPC) cho biết, PVF vẫn chưa mua được 500 nghìn cổ phiếu công ty này.

Một số bluechips khác như OGC, ITA, PVS cũng tăng trần. và được khớp mạnh: OGC khớp 2,3 triệu, ITA khớp 2,77 triệu và PVS khớp 2,82 triệu. Các mã này cuối phiên đều sạch dư bán và được khối ngoại mua vào rất lớn, OGC được mua 298 nghìn đơn vị, ITA được gom 419,2 nghìn cổ phiếu và PVS được khôi ngoại gom 515 nghìn. Cầu giá trần tại các mã này đều lớn, ITA còn dư mua giá trần 1,21 triệu đơn vị trong khi ở PVS là 903,1 nghìn.

Nếu phiên này VIC, VNM thiệt hại khá nặng với mức tổn thất 2.500 đồng và 2.000 đồng/cp, BVH mất 900 đồng/cp, MSN mất 500 đồng/cp thì DHG tăng 2.000 đồng, PVD tăng 1.300 đồng, DPM tăng 1.200 đồng, VCB tăng 1.000 đồng; HPG tăng 800 đồng, HAG tăng 900 đồng...

Do giao dịch diễn ra sôi động ở nhiều mã chủ chốt đã giữ được cường độ giao dịch cho thị trường chung, khiến thanh khoản trên cả hai sàn vẫn được ổn định so với các phiên trước.

Trên HSX phiên đầu tuần có 31,8 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 374,8 tỷ đồng; HNX có 35,9 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, trị giá 227,9 tỷ đồng.

99 mã tăng, 32 mã tăng trần ở HSX đã giúp VN-Index tăng 1,72 điểm, tương ứng 0,44% lên 393,93 điểm mặc dù có 60 mã mất điểm, 15 mã giảm sàn. HNX-Index diễn biến ngược chiều, mất 0,21 điểm, tương ứng 0,39% còn 54,23 điểm khi có 90 mã giảm, 40 mã giảm sàn so 60 mã tăng và chỉ có 17 mã tăng trần.

Mai Chi