Dự trữ quốc gia - chỉ cần hàng hóa, ngoại tệ mạnh

(Dân trí) - “Chỉ hàng hóa mới đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Khó có thể dùng tiền để ứng cứu trường hợp này” - Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách “bác” quan điểm dự trữ quốc gia bằng tiền.

Luật Dự trữ quốc gia được UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu hôm nay, 11/4 và sẽ được trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5 tới.

Nội dung quy định các mặt hàng thuộc diện điều chỉnh trong dự trữ quốc gia, theo dự thảo luật, bao gồm các loại vật tư hàng hóa thiết yếu và tiền. Đa số ý kiến trong UB Tài chính ngân sách (cơ quan thẩm tra dự án luật) đề nghị không quy định dự trữ quốc gia bằng tiền, mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Cũng có ý kiến cho rằng, để tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia cần xem xét bổ sung dự trữ vàng và khoáng sản.
 
Dự trữ quốc gia - chỉ cần hàng hóa, ngoại tệ mạnh
Gạo trong kho dự trữ quốc gia được mang ra cứu đói đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt.

“Mục tiêu của dự trữ quốc gia là nhằm phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với tình huống đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, chỉ hàng hóa mới đáp ứng tính khẩn cấp, kịp thời và phù hợp với mục tiêu của dự trữ quốc gia, khó có thể sử dụng tiền để ứng cứu trong những tình huống này” - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích.

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh lý do trong bối cảnh tiềm lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế, việc quy định dự trữ quốc gia bằng tiền sẽ dẫn đến khó phát huy tối đa giá trị đồng tiền, lãng phí nguồn lực và phát sinh phức tạp trong quản lý, sử dụng.

Ông Hiển cũng lập luận, nếu đã dự trữ thì phải là ngoại tệ. Dự trữ nội tệ là không hợp lý, ngân sách hạn hẹp, vẫn đi vay mà tự nhiên để một nguồn tiền ở đó là không hợp lý.

Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng khẳng định, phải dự trữ bằng ngoại tệ mạnh.

Về thẩm quyền nhập, xuất hàng, dự thảo luật quy định Thủ tướng có quyền quyết định việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia. Cơ quan thẩm tra cho rằng để tránh tình trạng tập trung quá nhiều trách nhiệm cá nhân cho Thủ tướng, đề nghị việc nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia ở quy mô lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng nhưng không quá cấp bách thì cần được tập thể Chính phủ xem xét, quyết định.

Liên quan đến tổng mức dự trữ quốc gia, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án xây dựng tổng mức dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm. UB Tài chính ngân sách cho rằng, việc tăng dần tổng mức dự trữ quốc gia là cần thiết, nhưng không nên quy định hàng năm vì còn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ… Cũng có ý kiến đề nghị xác định quy mô tổng mức dự trữ quốc gia bằng tỷ lệ nhất định so với GDP.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói thêm: Chiến lược Dự trữ quốc gia trong dài hạn phải do Quốc hội quyết định, Chính phủ từ đó mà điều hành cụ thể. Nếu coi đây là lĩnh vực đặc thù, cần có những quy đinh đặc thù về kiểm toán, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại tố cáo thì phải quy định trong luật này, nếu không thì chỉ cần dẫn chiếu các luật hiện hành. 

P.Thảo