1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Dự báo CPI năm 2017 khó đạt mục tiêu 4%

(Dân trí) - Theo dự báo của Vụ thị trường trong nước, năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng bình quân sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và chính sách tiền tệ. Do đó, mục tiêu Quốc hội giao là khoảng 4% khó đạt được.


CPI năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, điều chỉnh giá dịch vụ và chính sách tiền tệ.

CPI năm 2017 sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, điều chỉnh giá dịch vụ và chính sách tiền tệ.

CPI tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế, giáo dục

Báo cáo diễn biến thị trường giá cả năm 2016 của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2016 thị trường hàng hoá không có biến động lớn về giá. Một số mặt hàng như đường, thịt lợn đã có những giai đoạn tăng giảm do lo ngại về nguồn cung giảm, bấp bênh trong hoạt động xuất khẩu. Mặt hàng giá hàng hoá chịu ảnh hưởng chủ yếu ở nhóm hàng do Nhà nước quản lý (như phí dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá theo lộ trình).

Theo báo cáo, đối với nhóm hàng vật liệu xây dựng, do thị trường bất động sản phục hồi nhẹ khiến nhu cầu mặt hàng này tăng. Tuy nhiên, giá nguyên liệu không tăng mạnh và năng lực sản xuất vẫn đáp ứng tốt nhu cầu nên giá bán các mặt hàng này trên thị trường không tăng nhiều.

Vụ thị trường trong nước cũng cho biết, trong năm 2016, Bộ Công Thương tiếp tục áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài. Theo đó, mức thuế đối với phôi thép tăng từ 10% lên 23,3% đối với phôi thép và từ 0-5% lên 14,2% đối với thép dài cũng đã tác động làm giá thép trong nước tăng trong một số giai đoạn.

Đối với nhóm hàng nông sản, giai đoạn đầu năm, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sản lượng nhiều mặt hàng như mía, gạo… Bên cạnh đó, những tháng đầu năm, nhu cầu thu mua lợn thịt sang Trung Quốc tăng mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn cung mặt hàng này trong nước. Tuy nhiên, từ cuối quý III, diễn biến thuận lợi, giá cả các mặt hàng này đã ổn định trở lại.

Đối với nhóm nhiên liệu, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu nhóm này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu nên giá chịu ảnh hưởng lớn từ thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện giá trong nước đã bám sát với giá thế giới và có sự điều chỉnh hài hoà của Nhà nước.

CPI khó đạt mục tiêu 4%

Trong năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% so với tháng 12/2015. CPI bình quân cả năm tăng khoảng 2,6% so với năm 2015, trong đó 2 nhóm y tế và giáo dục vẫn là các nhóm có mức tăng cao nhất do việc điều chỉnh phí dịch vụ theo lộ trình.

Theo dự báo của Vụ thị trường trong nước, năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng bình quân sẽ chịu nhiều áp lực tăng từ giá thế giới, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý và chính sách tiền tệ. Do đó, mục tiêu Quốc hội giao là khoảng 4% khó đạt được.

Liên quan tới chỉ số CPI, trước đó, tại Hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam năm 2016 và dự báo năm 2017" vừa diễn ra, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến đến từ Học viện Tài chính cho biết, CPI đã chấm dứt xu hướng giảm từ các năm trước. Tuy nhiên, nếu xét trong thời gian 5 năm (2012-2016) thì mức tăng năm 2016 trên trung bình đôi chút (bình quân 5 năm CPI tăng 4,06%).

Dự báo về CPI năm 2017, TS. Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho rằng, nếu tính CPI bình quân năm thì CPI có thể đạt 3,5-4%. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương pháp so sánh tháng 12/2007 với tháng 12/2016 thì mục tiêu CPI năm 2017 dưới 4% là không dễ đạt được bởi giá hàng hóa thế giới có khả năng tăng (khi giá dầu thô đã tăng trên 5% sau khi các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2016); Giá dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình.

Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá và mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 tương đối cao là 6,7% sẽ tạo sức ép lên lạm phát trong năm tới.

Còn theo PGS., TS. Ngô Trí Long, để thực hiện được mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% như Nghị quyết Quốc hội đề ra, cần thực hiện những giải pháp cơ bản gồm: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, sử dụng linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ. Mức tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng; Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (điện, nước, xăng dầu…); Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp…

Phương Dung