1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

"Đồng phục" biển hiệu quảng cáo: Luật nào cho phép?

(Dân trí) - Đây là câu hỏi được TS. Lê Đăng Doanh đặt ra khi trao đổi với phóng viên Dân Trí ngày 13/5 về việc quy định lắp đặt toàn bộ bảng, biển hiệu quảng cáo của các hộ kinh doanh, doanh nghiệp dọc tuyến phố Lê Trọng Tấn theo một quy chuẩn do chính quyền quyết định.

Đồng phục biển hiệu tại tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn
"Đồng phục" biển hiệu tại tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn

Như thông tin đã đưa, trên tuyến phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội), UBND quận Thanh Xuân quy định: Hệ thống biển hiệu được lắp đặt được thiết kế đồng bộ với chiều cao biển là 1,1m; chiều rộng tối đa bằng chiều rộng công trình; vị trí mép dưới biển hiệu là 3,0-3,2m. Màu sắc được thiết kế 2 gam màu cơ bản là nền xanh hoặc đỏ và chữ màu trắng. Đây được xem là tuyến phố "kiểu mẫu" đầu tiên ở Hà Nội.

"Cơ sở luật pháp nào cho phép thành phố can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bây giờ người ta có biển quảng cáo điện tử, kích cỡ khác, đặt ở vị trí khác thì cấm hay sao?" - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ mối băn khoăn.

Theo ông Doanh, trong khi thế giới tập trung sức lực để phát triển kinh tế, khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực thì việc xây dựng con đường "kiểu mẫu" theo hướng mà UBND quận Thanh Xuân đang thực hiện là không phù hợp. "Nguồn lực nên dành cho những ý tưởng ý nghĩa, thiết thực hơn", vị chuyên gia đánh giá.

"Việc quy định đồng phục như thế nhìn qua gọn gàng nhưng nó gây ra sự bất tiện cho khách hàng khi đến các cửa hàng nằm trên tuyến phố này. Quá giống nhau nên không nhận diện được thương hiệu, và tôi nghĩ, việc kinh doanh của các cửa hàng tại đây sẽ bị ảnh hưởng" - ông Doanh phân tích.

Ngoài ra, ông cũng tỏ ra lo ngại, không biết sau tuyến đường này, chính quyền địa phương có còn định "thừa thắng xông lên" làm những đường "kiểu mẫu"nào nữa không?

Tuy vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng không nên "kết tội" chính quyền quận Thanh Xuân là đã đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa cho môi trường kinh doanh phát triển. "Tôi nghĩ có lẽ họ cũng muốn làm một việc gì đó mà thôi nhưng cách làm không có một chiến lược dài hạn, không suy nghĩ có tính hệ thống".

Vấn đề này, cho đến nay vẫn đang gây tranh luận trong xã hội. Một số ý kiến khách qua đường cho rằng, việc thiết kế như trên khiến tuyến đường được chỉn chu hơn. Một số khác bình luận, chính quyền có thể quy định về kích cỡ biển hiệu, biển quảng cáo nhưng không nên quy định về màu sắc và chữ viết, điều này "bóp chết tính sáng tạo" cũng như triệt tiêu hoàn toàn tác dụng của hệ thống nhận diện qua biển hiệu, biển quảng cáo.

Song theo khẳng định của đại diện chính quyền quận Thanh Xuân thì trước khi triển khai, quận Thanh Xuân và phường Khương Mai đã tổ chức cuộc họp phát phiếu thăm dò, hỏi ý kiến nhân dân về phương thức và cách làm.

Với tổng số hộ dân 151 hộ dân liên quan và 8 cơ quan, tổ chức, số hộ gia đình và tổ chức đã thống nhất chủ trương của Thành phố là 153. Còn lại 6 hộ gia đình hiện không cư trú tại Hà Nội nhưng sau cuộc họp đều có gửi phiếu thống nhất ý kiến.

Bích Diệp

"Đồng phục" biển hiệu quảng cáo: Luật nào cho phép? - 2