1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Độc giả bức xúc với đề xuất tăng thuế môi trường xăng dầu lên 8.000 đồng/lít

(Dân trí) - Về đề xuất tăng thuế môi trường đối với xăng dầu lên từ 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít hiện nay, nhiều độc giả Dân trí đã gửi bình luận chia sẻ bức xúc với lập luận cho rằng giá xăng Việt Nam rẻ hơn các nước và lo ngại nhiều hệ luỵ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nếu đề xuất này được thực thi.

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, đối tượng chịu thuế bên cạnh những sản phẩm, xăng dầu đã nêu ở luật còn bổ sung thêm xăng E5 và xăng E10.

Theo đó, khung mức thuế áp dụng cho xăng (trừ ethanol) là 3.000 - 8.000 đồng/lít so với mức 1.000 - 4.000 đồng/lít như hiện nay. Nhiên liệu bay bị áp khung mức thuế từ 3.000 - 6.000 đồng/lít so với hiện nay là 1.000 - 3.000 đồng/lít.

Dầu diezel từ mức hiện tại là 500 - 2.000 đồng/lít thì dự kiến bị đẩy lên 1.500 - 4.000 đồng/lít. Các loại dầu mazut, dầu nhờn và mỡ nhờn bị áp khung 900 - 4.000 đồng/lít,kg trong khi mức hiện nay chỉ là 300 - 2.000 đồng/lít,kg.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lý giải về đề xuất này, đại diện Bộ Tài chính, ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, phải điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu, bởi xăng dầu là sản phẩm chưa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng. Các nước trên thế giới cũng đã đưa xăng dầu vào diện thu thuế TTĐB, thuế BVMT nhằm mục đích bảo vệ môi trường với những tên gọi khác nhau (thuế năng lượng, thuế nhiên liệu…).

Cũng theo ông Thi, sau khi phân tích diễn biến giá xăng dầu thế giới và so sánh mức giá xăng dầu của Việt Nam với các nước xung quanh, Bộ Tài chính đánh giá, nếu như không điều chỉnh thì sẽ thiệt hại về lợi ích quốc gia. Cụ thể, các doanh nghiệp xăng đầu đã cùng với một số đối tác xuất khẩu nước ngoài rục rịch điều chỉnh giá xăng dầu. Trong khi đó, thuế nhập khẩu xăng dầu lại bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực.

Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến của đại diện Bộ Tài Chính khi cho rằng giá xăng Việt Nam rẻ hơn so với khu vực, độc giả Ngọc Trâm Lê phản biện: “Giá xăng Việt Nam đang rẻ nhất khu vực, cụ thể 18.000 đồng/lít, quá rẻ so với Nhật 29.000 đồng/lít (145¥) HongKong 26.518 đồng/lít (9 HKD). Vậy tính bình quân lương trung bình của 1 người Việt Nam là 5.000.000 đồng/tháng/18.000 đồng/lít = ~ 278 lít, lương bình quân của người Nhật là 200.000 ¥/tháng/145¥/lít = ~1379 lít, lương thấp nhất của HongKong là 8500 HKD/tháng/9 HKD/lít = 945 lít. Vậy tính đi thì phải tính lại, 1 giờ làm việc của họ mua được gần 10 lít xăng, còn 1 giờ làm việc của Việt Nam chỉ mua được hơn 1 lít.”

Đề cập đến vấn đề lợi ích quốc gia mà Bộ Tài chính dẫn ra như là một trong những lý do của đề xuất này, độc giả Văn Chiến Trương chất vấn: "Có lẽ chưa đủ tầm nhưng tôi không biết lợi ích quốc gia từ việc tăng thuế xăng dầu to lớn như thế nào. Nhưng ở góc nhìn của một người dân và tin chắc hơn 80 triệu dân là người có thu nhập thấp và trung bình việc tăng thuế chỉ làm thêm gánh nặng cho người dân"

“Đối với một nước có xuất khẩu dầu thô như của Việt Nam thì chuyện người dân được sử dụng nhiên liệu với giá thành thấp hơn các nước không có nguồn tài nguyên này là chuyện đương nhiên. Dầu thô là tài sản quốc gia vì thế tiền bán được dầu là tiền của toàn dân và đó không phải là đóng góp cho quốc gia là gì?.”, Văn Chiến Trương chia sẻ.

Nhiều độc giả khác thì lo ngại, nếu xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới giá cả hàng hóa, đời sống của đại bộ phận người dân sẽ khốn khó thêm.

Độc giả Nguyễn Khánh Hưng lo ngại tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác lớn hơn: "Tên khoản thu có là cái gì đi nữa, khi ấn vào giá xăng dầu sẽ làm cho giá cả mọi thứ tăng lên theo. Ví như giá cả như hiện nay một bát phở là 30.000 đồng, với tháng lương cơ bản là 1.210.000 đồng thì sẽ mua được 40 bát phở. Sau khi giá cả mọi thứ đi theo giá xăng, giả sử phở tăng lên 35.000 đồng/bát thì một tháng lương cơ bản chỉ còn mua được 34 bát phở. Như vậy toàn bộ những người làm công hưởng lương (cả từ ngân sách hay từ doanh nghiệp) sẽ thiệt thòi".

Độc giả Nhan Nguyen Duy bình luận: “Giá xăng giảm thì mới thúc đẩy vận tải phát triển kinh tế, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Giờ tăng chỉ khổ dân, khổ doanh nghiệp.”

“Khi xăng tăng mọi thứ sẽ tăng theo từ sản xuất cho đến khâu lưu thông phân phối, mặt bằng giá cả sẽ tăng lên, tiền sẽ mất giá, sẽ dẫn đến lạm phát, đời sống của đại bộ phận người dân sẽ khốn khó thêm. Chưa kể quỹ BVMT có được sử dụng đúng mục đích hay không mà cuộc sống ngày càng ô nhiễm nặng nề”, bạn đọc Nguyen Thi Thu chia sẻ lo ngại nếu giá xăng tăng mạnh khi áp khung thuế BVMT mới.

Tuy có khá nhiều ý kiến phản đối trực tiếp việc tăng thuế BVMT với xăng dầu, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc đóng thuế là nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc và luôn sẵn sàng. Nhưng đi đôi với đó, Chính phủ cần công khai, minh bạch trong việc chi tiêu ngân sách, nhất là công khai về thu chi đối với thuế bảo vệ môi trường.

Bạn đọc Dang Hai chia sẻ quan điểm: "Người dân đóng thuế là nghĩa vụ của công dân đối với Tổ Quốc. Vì vậy dân luôn luôn sẵn sàng. Nhưng thuế thu trên cơ sở đặt vấn đề có hợp hiến hay không, việc tính toán và sử dụng các loại thuế có hợp lý hay không lại vấn đề của chính phủ, của bộ máy công quyền. Việc không ngừng tăng chi công trong đó chi cho xây dựng công sở, trả lương cho bộ máy quá cồng kềnh...thì không thể gọi "cứ thu thuế theo luật ngân sách" là đang hợp hiến được. Mong các vị hãy xem xét cả hai phía."

Đồng quan điểm với Dang Hai, độc giả Vinh phan trung chấp nhận mức tăng này, nhưng bày tỏ mong muốn: "Đề nghị chính phủ công khai về thu chi đối với thuế bảo vệ môi trường. Dân ta chưa bao giờ có được thông tin minh bạch về việc chi tiêu ngân sách. Rất mong Chính phủ liêm chính kỳ này làm được việc minh bạch!!!"

"Cái nào cũng tính phí BVMT cả đấy: nước sinh hoạt, nước sản xuất, xăng dầu, hóa chất......Tôi đồng ý thu nhưng phải trả lại đúng mục đích, tránh tiền của dân biến thành "tiền chùa”", độc giả Hương Vũ bày tỏ.

Trong khi đó, độc giả vũ phong lại đặt vấn đề: Sao không phạt thật nặng những kẻ gây ô nhiễm môi trường, hàng ngày những công ty thải ra môi trường biết bao thứ độc hại thế mà xử lý quá nhẹ, những kẻ sản xuất buôn bán thực phẩm độc hại .... các ông làm nghiêm được chuyện đó thì chắc chắn người dân không tiếc mà đóng phí.

Đề cập đến các giải pháp, có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng dưới góc nhìn cá nhân, độc giả Trung Quang cho rằng: "Đánh vào xăng dầu sẽ ảnh hưởng người nghèo! Nên tăng phí đăng ký biển số xe ô tô 4-7 chỗ như các nước khác, hoặc bán đấu giá biển xe ô tô, ai có biển số rồi mua xe!!! Vừa giảm được ô nhiễm môi trường, giảm xe cá nhân, vừa thu được ngân sách, lại không ảnh hưởng đến người thu nhập thấp!!

Bình luận trong bài viết “Thuế xăng dầu lên 8.000 đồng/lít: “Lợi ích quốc gia” đâu phải dăm ba tỷ đô trước mắt?” của PV Bích Diệp, rất nhiều độc giả đã lên tiếng khen ngợi và đồng tình, vì họ cho rằng Bích Diệp đã thay độc giả nói lên tiếng nói của chính họ.

Trong đó, độc giả Yên Đinh khen: "Bài viết hay thật. Nhà báo mà phân tích rành rọt mạnh dạn hơn cả chuyên gia kinh tế. Tôi chỉ thấy rằng tăng thuế BVMT, tức là tăng giá xăng dầu và điện thì lập tức tất cả các mặt hàng tăng theo kéo theo lạm phát là chắc chắn. Vậy có được 110.000 tỷ đồng liệu có còn đủ giá trị. Người dân phải chịu áp lực của việc tăng giá xăng dầu, điện và lạm phát. Trong tình hình kinh tế hiện nay cách tốt nhất là hãy ổn định, tiết kiệm chi tiêu, ngăn chặn lãng phí tham nhũng, kiên quyết giảm biên chế công chức viên chức. Việc so sánh giá cả với các nước, nhất là một số nước phát triển quả là khập khễnh".

Thế Hưng