1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Doanh nhân Trung Quốc mở kho hàng tại TP.HCM

Các doanh nhân Trung Quốc đã đưa hàng hoá của họ đến gần hơn người tiêu thụ, bằng cách trực tiếp lập kho hàng, phân phối hàng hoá ngay tại TP.HCM. Cách làm ăn năng động và sự có mặt của họ tại thành phố là điều rất đáng suy nghĩ.

Trong một căn nhà tại quận 5 TP.HCM, với bề ngang chừng 4m, sâu chỉ khoảng 11 – 12m, phía trước bày bán như một shop thời trang, trông khá chán với một vài bộ quần áo thời trang bám bụi treo trên móc, vài chiếc túi xách màu cũ kỹ bán giảm giá 30 – 50%, nên khách đi ngang hầu như chẳng có ai ghé vào. Còn khách quen đến cửa sẽ có người dắt tiếp vào trong, hàng hoá trưng bày còn hơn cả siêu thị chuyên bán túi xách, với vài ngàn chiếc đủ màu đủ kiểu, được trưng bày thành từng kệ, từng sào và xếp kín mặt bằng từ tầng dưới lên tầng trên.
 
Doanh nhân Trung Quốc mở kho hàng tại TP.HCM
Thị trường đồ chơi trẻ em phổ biến các sản phẩm nhập khẩu. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

 

Thăm các “siêu thị” hàng Trung Quốc tại TP.HCM

 

Tiu, một trong ba người bán hàng ở đây nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ, nhưng giọng đếm số và tính tiền bằng tiếng Việt chuẩn xác hơn nhiều, cho biết cô đến Việt Nam và mở cửa hàng này từ năm ngoái. “Mỗi tuần có 2 - 3 đợt mẫu mới với tổng cộng hơn 100 kiểu. Lấy hàng ở chỗ Tiu về bán cứ yên tâm là kiểu đẹp, giá rẻ nhất”, Tiu nói.

 

Tiu qua Việt Nam cùng với hai người bạn. Khác với những người buôn chuyến và bỏ mối hàng thời trang trước kia chào hàng qua mẫu hoặc qua catalogue, Tiu mở luôn kho hàng với các sản phẩm thật, khách mua sỉ cứ vào lựa và mang hàng về ngay.

 

Ban đầu khách chỉ là những người biết nói tiếng Hoa vào mua sỉ về bán ở chợ Bình Tây, An Đông hay tại các shop, họ mua bán với nhau bằng tiếng Hoa dễ dàng. Nhưng dần dà bạn hàng người Việt tìm tới, Tiu học thêm tiếng Việt thương mại từ một vài chủ shop thân quen. Hiện nay, vốn tiếng Việt của Tiu chưa đủ nhiều để chào mời đon đả như các tiểu thương trong chợ Bình Tây, nhưng chỉ cần khách bảo tìm túi “si” hay “da” hay “dù” (chất liệu may túi) là Tiu chỉ cho họ cả trăm kiểu để chọn. Bán giá sỉ, Tiu giảm giá theo tỷ lệ phần trăm tuỳ theo lượng hàng khách mua.

 

Với sự giới thiệu của các chủ sạp, chủ shop, phóng viên đã đến bốn kho hàng Trung Quốc khác nhau tại TP.HCM để tận mắt chứng kiến sự thay đổi trong cách làm ăn, giao dịch của họ. Kho hàng đồ chơi của ông Thuý, quận 6 sắp xếp gọn hàng và ngăn nắp như ở các trung tâm bán sỉ hiện đại. Hàng trăm món đồ chơi được bày ra phía trước kệ. Phía trước mỗi món đều có bảng ghi giá bán lẻ. Còn trên sản phẩm chỉ có mã vạch. Khi khách chọn hàng, cho vào giỏ, nhân viên sẽ mang ra bàn vi tính quét mã, đồng thời trên máy tính cũng báo cụ thể giá sỉ khi mua dưới năm món, dưới mười món, dưới 20 món…

 

Ông Thuý cho biết, do khách mua sỉ có cả người kinh doanh nhà sách, siêu thị nên ông có công ty xuất hoá đơn theo yêu cầu. Thậm chí khách mua hàng sỉ giá 43.000 đồng/món, muốn ghi hoá đơn theo giá bán lẻ 65.000 đồng… cũng được đáp ứng.

 

Kho hàng lưu niệm của bà Thu nằm gần chợ Bình Tây. Ở đây có cả thế giới sắc màu của những món quà lưu niệm, với cả ngàn chiếc đồng hồ, kẹp tóc, khung ảnh… và nhiều nhất là thú nhồi bông. Tất cả được xếp khá trật tự, dễ lấy xem và dễ so sánh giá cả, mẫu mã. Nơi đây có đủ từ các nhân vật hoạt hình, các con vật nuôi dễ thương cho đến những hình ảnh mang biểu tượng tình yêu như trái tim đôi, gấu trái tim… với kích cỡ từ cài centimet đến loại cao gần cả mét. Khách mua hàng nếu cần lấy gấp, món hàng nhỏ, nhẹ có thể mang về ngay. Nếu mua nhiều thì chủ sẽ giao hàng tận nơi trong vòng một giờ sau đó.

 

“Bán giá trực tiếp xưởng”

 

Có thể thấy, hàng Trung Quốc đang thay đổi diện mạo, cũng như cách tiếp cận với giới kinh doanh ở TP.HCM. Những kiểu bán hàng trên mẫu, trên catalogue, rồi chờ khách mua đến đâu, gửi hàng vào đến đấy đang bị thay đổi.

 

Nhà kinh doanh hàng Trung Quốc đang phải đầu tư vốn lớn hơn cho mặt bằng trưng bày, cho đội ngũ nhân viên bán hàng – giao hàng – theo dõi hàng trên quầy kệ như trong siêu thị, cũng như các phần mềm quản lý hàng hoá… để đáp ứng nhu cầu muốn có mẫu mới thật nhanh của người bán lẻ.

 

Họ đáp ứng nhu cầu đa dạng mẫu của khách theo kiểu “bán sỉ mà như bán lẻ”. “Muốn lấy mười áo, mỗi áo một màu hoặc hoạ tiết khác nhau cũng được đáp ứng”, bà Kim, chủ sạp bán sỉ quần áo may sẵn ở chợ Bình Tây cho biết.

 

Theo một số chủ sạp, tính đến nay có hơn mười kho hàng, mà cũng có thể gọi là siêu thị chuyên bày bán các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, như quần áo lót, hàng thủ công mỹ nghệ, túi xách thời trang, đồ chơi trẻ em… trong các căn nhà có diện tích đất hơn 100m2 ở quận 5, quận 6, Tân Bình nhưng lại có đến 4 – 5 tầng lầu để bày hàng.

 

Vốn là doanh nghiệp chuyên nhập sản phẩm dùng trong gia đình của Trung Quốc về bỏ mối, bà Nguyễn Thị Thanh, một doanh nghiệp ở Tân Phú đang xoay xở tìm mặt bằng, dự kiến mở “kho trưng bày” với diện tích cả ngàn mét vuông. Bà chia sẻ: “Đối tác ở Trung Quốc đã đồng ý cùng tham gia, tức tôi tìm thuê mặt bằng, họ đầu tư hàng”.

 

Người bán hàng ở Sài Gòn bây giờ có thể ngồi tại sạp, hay tại shop là lập tức có người bán hàng Trung Quốc mang mẫu đến để chọn. Cô Hoè, người có cửa hàng “bán buôn đồ da mốt mới” tại phố Nam Bộ Lũng Vài, Bằng Tường, Quảng Tây mà phóng viên gặp vào sáng 27/3, đang đến từng sạp ở chợ Bình Tây để mời mua hàng với “bán giá trực tiếp xưởng” (nội dung ghi trên danh thiếp – có thể hiểu là bán bằng giá xuất xưởng – PV). Cô Hoè cho biết, trước chỉ bán sỉ ở Hà Nội, nay thấy mối ít đặt, nên phải vào tận nơi mời khách. Đối tác của cô tại Quảng Tây cũng đang muốn mở điểm bán trực tiếp ở Sài Gòn...

 

Theo Bích Nga

SGTT