1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp xăng dầu không còn “nhìn” Petrolimex để tăng giá?

(Dân trí) - Có một điểm khác biệt trong việc giảm giá xăng dầu ngày 1/8 là một số doanh nghiệp không còn “nhìn” Petrolimex để điều chỉnh cùng thời điểm. Nhưng dư luận cho rằng, điều này không hẳn là đang hình thành giá xăng dầu cạnh tranh.

Giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít kể từ 13h ngày 1/8 (ảnh minh họa).
Giá xăng tăng thêm 900 đồng/lít kể từ 13h ngày 1/8 (ảnh minh họa).

Sau khi Bộ Tài chính có công văn cho phép doanh nghiệp xăng dầu điều chỉnh giá trong biên độ 7%, kể từ 13h hôm qua 1/8, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được Saigon Petro, đơn vị chiếm 8% thị phần xăng dầu trên cả nước, phát tín hiệu đầu tiên trong việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu.

Đến 13h30 cùng ngày, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PCV Oil), chiếm khoảng 25% thị phần và Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn SFC cũng thông báo áp dụng giá bán mới với các mặt hàng xăng dầu.

Tập đoàn Xăng dầu ViệtNam(Petrolimex), đơn vị chiếm khoảng 60% thị trường xăng dầu cả nước cũng thông báo điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 14h, áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối. Theo đó, giá xăng đồng loạt tăng 900 đồng/lít (xăng A95 tăng lên 22.400 đồng/lít, A92 lên mức 21.900 đồng/lít); các loại dầu đồng loạt tăng 500 đồng/lít (kg).

14h cũng là thời điểm mà Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Xăng dầu Comeco… công bố chính thức tăng giá bán trên phạm vi toàn quốc.

Có một điểm khác biệt trong việc giảm giá xăng dầu ngày 1/8 là một số doanh nghiệp không còn “nhìn” Petrolimex, đơn vị chiếm 60% thị phần, để điều chỉnh cùng thời điểm. Ngoại trừ giá xăng đồng loạt tăng thêm 900 đồng/lít, trong khi Petrolimex tăng giá lúc 14h với mức tăng các mặt hàng dầu là 500 đồng/lít, thì Saigon Petro lại tăng từ 13h với mức tăng giá dầu hỏa chỉ 400 đồng/lít.

Đây cũng là mức khác biệt so với đợt tăng ngày 20/7 vừa qua, khi giá xăng dầu được các doanh nghiệp đầu mối đồng loạt tăng từ 300 - 400 đồng/lít. Vào lần điều chỉnh này, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối “bắt tay nhau” cùng tăng giá và có doanh nghiệp còn thừa nhận họ phải nhìn Petrolimex để điều chỉnh. Còn lần tăng giá này (ngày 1/8) cũng đã có sự khác biệt về thời gian, cũng như có sự khác biệt nhỏ về mức điều chỉnh giá dầu hỏa.

Tuy nhiên, khi trao đổi với một số doanh nghiệp, họ từ chối bình luận về sự trùng khớp mức tăng giá chung giữa các đơn vị, dù mỗi đơn vị có cách tính, chi phí kinh doanh khác nhau, thậm chí mức lỗ khác nhau. Giới chuyên gia cho rằng, việc các doanh nghiệp cùng tăng ở một mức giá do trên thị trường hiện Petrolimex là đơn vị độc quyền, chiếm thị phần lớn nên các đơn vị phải theo, không theo thì không có khả năng trụ được.

Nếu doanh nghiệp tăng cao quá thì người ta sẽ không mua, thấp hơn thì thiệt. Vì vậy, khi các các doanh nghiệp lớn đưa ra mức giá của mình thì các doanh nghiệp nhỏ không thể tăng cao hoặc thấp hơn được.

Ở lần tăng giá hôm qua, diễn biến tình hình đã khác khi Petrolimex tăng giá lúc 14h với mức tăng các mặt hàng dầu là 500 đồng/lít, còn Saigon Petro lại tăng giá từ 13h với mức tăng giá dầu chỉ 400 đồng/lít. Nhưng sự khác biệt này là không đáng kể và chưa đủ để kết luận rằng giá xăng dầu bắt đầu có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

An Hạ