1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp xăng dầu được quyết tăng giá đến 10%

(Dân trí) - Theo cơ chế điều hành giá xăng dầu mới, doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá xăng dầu trong phạm vi 10%. Từ nay đến ngày 20/7, nếu giá xăng dầu thế giới vẫn giảm mà trong nước không giảm, Bộ Tài chính sẽ có văn bản nhắc nhở.

Doanh nghiệp xăng dầu được quyết tăng giá đến 10% - 1
Giá xăng giữ nguyên ở mức 14.200 đồng/lít (ảnh: Pháp luật TPHCM).
 
Chưa có doanh nghiệp nào đăng ký giảm giá

Theo cơ chế điều hành giá xăng dầu mới công bố sáng nay 15/7, doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi nhất định: Mỗi lần tăng tối đa 10% và gửi báo cáo về Bộ Tài chính. Thời gian điều chỉnh tăng giữa 2 lần là 20 ngày.

Nếu tăng giá xăng từ 10 đến dưới 15%, doanh nghiệp cũng có thể quyết định nhưng sẽ dùng quỹ bình ổn giá (khi có) để bình ổn. Khi tăng trên 15%, Nhà nước sẽ can thiệp, sử dụng các biện pháp bình ổn giá theo Pháp lệnh Bình ổn giá.

Ngược lại, khi giá dầu thế giới giảm từ trên 3% đến 12% thì doanh nghiệp phải giảm giá không dưới 50% mức giảm của thế giới và trích lập Quỹ bình ổn giá, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Dù giá xăng dầu trên thế giới đã giảm 14 ngày liên tiếp nhưng hiện chưa có doanh nghiệp đầu mối nào đăng ký giảm giá bán xăng dầu. Tuy nhiên, căn cứ giảm giá phải dựa trên giá trung bình ít nhất 20 ngày nên phải tới ngày 18, 19 Bộ mới có thể đưa ra nhận định.

“Tôi xin nhấn mạnh giá thế giới rất quan trọng nhưng không phải tất cả. Trong trường hợp chấp thuận hay không còn căn cứ vào nhiều yếu tố; ví dụ ngày 20/7 tới đây mà giá vẫn giữ ở mức như thế này thì liên Bộ sẽ nhắc nhở các doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh.

Không lỗ do kinh doanh đa ngành

Theo đại diện của Bộ Tài chính, về nguyên tắc từ ngày 1/7/2007 giá xăng thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, do giá thế giới liên tục tăng cao, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải thực hiện nhiệm vụ bình ổn xăng dầu theo yêu cầu của Chính Phủ, vì vậy phát sinh khoản lỗ kinh doanh xăng trong năm 2007 - 2008 với tổng số lỗ khoảng 4.040 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã tạm ứng cho doanh nghiệp vay là 4.038,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của doanh nghiệp, đến nay các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối mới trích để trả ngân sách được khoảng 38% so với số mà Bộ Tài chính đã tạm ứng.

Số tiền các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối còn nợ là khoảng 2.508 tỷ đồng (tương đương 62%). Vì thế thay vì giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, các doanh nghiệp đầu mối tạm trích 1.000 đồng/lít xăng để trả nợ cho ngân sách.

Thứ trưởng Hiếu nhấn mạnh: “Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải tính tới giải pháp dài hơi nên không ưu tiên giảm giá mà thực hiện trích trả Nhà nước 1.000 đồng/lít xăng và trích Quỹ bình ổn giá. Điều này sẽ đem lại lợi ích hơn về lâu dài cho cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước”.

Trước câu hỏi của báo giới về việc Petrolimex công bố lãi ròng trên 200 tỷ đồng kinh doanh xăng dầu? Cục trưởng Cục quản lý giá liên Bộ Tài chính - Công Thương Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: “Tôi xác nhận con số 200 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng đầu năm sau khi đã nộp thuế từ riêng mảng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, bao gồm cả tái xuất và tiêu thụ nội địa là đúng.

Tuy nhiên mọi người cũng nên biết, các doanh nghiệp không chỉ kinh doanh một loại xăng dầu mà đều kinh doanh đa ngành hàng. Tôi phải nói rõ hơn, Petrolimex kinh doanh ngành hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất lãi tới 392 tỷ đồng, lỗ kinh doanh xăng dầu nội địa khoảng trên 100 tỷ, sau khi trừ họ vẫn lãi trên 200 tỷ”.
 
Nguyễn Hiền