1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Doanh nghiệp xăng dầu đòi bỏ vì lỗ, Nhà nước đồng ý ngay”

(Dân trí) - Hội thảo về “Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường” diễn ra hôm nay (20/9) nóng như rang vì những ý kiến trái chiều về cách điều hành giá xăng dầu cũng như câu chuyện lỗ, lãi của các DN.

Bộ Công thương: "Điều hành xăng dầu không giống ai"

Ông Nguyễn Lộc An - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã không ngần ngại "phê" Bộ Tài chính quanh quyết định giảm giá xăng dầu cuối tháng 8 vừa qua.
 
“Doanh nghiệp xăng dầu đòi bỏ vì lỗ, Nhà nước đồng ý ngay” - 1
Câu chuyện giá xăng dầu vẫn chưa thôi gây tranh cãi (Ảnh minh họa)

 

Gọi quyết định này là thiếu căn cứ và không hiểu nổi, ông An cho rằng quyết định của Bộ Tài chính đã khiến nhiều cây xăng ở khu vực Tây Nam đóng cửa, gây nguy cơ vỡ thị trường.

 

“Từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện tăng giá xăng dầu và cũng không nên tăng giá bán lẻ xăng dầu, thay vào đó sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn. Trong trường hợp đặc biệt, Nhà nước sẽ bù lỗ” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định.

Ông An cũng không quên nhắc lại việc Bộ Tài chính đã không giảm giá xăng trong nhiều thời điểm có thể giảm, như trong tháng 7 khi giá xăng dầu thế giới xuống thấp nhưng công văn đề nghị giảm giá của Bộ Công Thương gửi sang Bộ Tài chính không được trả lời.

Quyết liệt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng điều hành giá xăng dầu Bộ Tài chính lại có sự điều chỉnh lên xuống theo chiều hướng... thông tin từ dư luận, trong khi chủ trương của Chính phủ là phải đảm bảo nguồn cung ở mọi lúc, mọi nơi và mọi thời điểm, đảm bảo an ninh năng lượng phải được đặt lên hàng đầu.

“Cách điều hành giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thời gian qua mang tính nửa vời và chẳng giống ai, không hẳn là bao cấp cũng chẳng thị trường. Bộ Tài chính không xác định rõ mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng hay bao cấp cho dân. Đối với doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã hứa bù lỗ bao lần nhưng đều thất hứa.

Nếu vẫn duy trì cách điều hành này sẽ dẫn đến hậu quả là cơ quan quản lý bất lực trước doanh nghiệp. Nếu giá không theo thị trường, không giải quyết các khoản lỗ cho doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến các nguy cơ vỡ hệ thống, đứt nguồn cung. Vì vậy, việc tăng giá từng bước cần thiết phải thực hiện” - Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Đồng ý cao với ý kiến của đại diện Bộ Công Thương, ông Bùi Ngọc Bảo - Tổng Giám đốc Petrolimex cho hay: “Bộ Tài chính xem xét xử lý các khoản lỗ cho doanh nghiệp, bởi suốt 1 thời gian dài giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu nên các doanh nghiệp luôn trong trạng thái lỗ.

Đối với Petrolimex, đến hết tháng 8/2011 đã bị lỗ 1.800 tỷ đồng và dự báo trong tháng 9 khoản lỗ của công ty ước khoảng 200 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ trong 9 tháng đầu năm lên 2.000 tỷ đồng”.

Còn ông Lê Xuân Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu VN (PV Oil) bày tỏ quan điểm Bộ Tài chính nên “thả” giá xăng dầu và để thị trường tự điều tiết giá giống như gas hay một số mặt hàng khác, khi đó giá xăng dầu lên hay xuống thì người tiêu dùng sẽ thấy đó là sòng phẳng, còn doanh nghiệp cũng cảm thấy dễ thở hơn.

Bộ Tài chính: "Doanh nghiệp lãi nhưng vẫn kêu... lỗ"

Đáp lại quan điểm của người cùng ngồi ghế điều hành buổi hội thảo, Bộ trưởng Vương Đình Huệ kiên quyết: “Tôi ra quyết định giảm giá thì tôi chịu trách nhiệm cá nhân. Ở đây không có sự quan liêu nào cả bởi sau mỗi quyết định là sự bàn bạc của cả tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính”.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ chứng minh: “Ngay trong thời điểm giảm giá xăng mức 500 đồng, theo số liệu thực tế của hải quan, riêng Petrolimex có chênh lệch dương 780 đồng/mỗi lít xăng ngoài 300 đồng lãi định mức mà Chính phủ cho phép. Vậy các doanh nghiệp kêu lỗ gì ở đây?"

Ông Huệ cho biết thêm, từ khi giảm giá, ông không nhận được công văn của doanh nghiệp nào xin bỏ kinh doanh vì lỗ, nếu doanh nghiệp nào muốn bỏ thì Nhà nước sẵn sàng chấp nhận. "Doanh nghiệp đừng dọa nhà nước", ông Huệ gay gắt.

Về lí do chưa thể “thả” giá xăng dầu hoàn toàn trong thời điểm này, theo ông Huệ, là vì giá xăng dầu thế giới bất ổn. "Nếu hôm nay trong nước “thả” giá thì ngày mai thì thị trường sẽ ra sao? Vì vậy, phải có thị trường cạnh tranh và sòng phẳng với nhau”, vẫn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Nhiều chuyên gia tham dự cũng nhìn nhận, sự điều chỉnh giá trong từng giai đoạn phải căn cứ vào năng lực quản lý của các doanh nghiệp và thu nhập của người dân. Không thể so sánh Việt Nam với Singapo và Thái Lan về xăng dầu. Điều hành tương dối dồn dập, “sức khỏe” yếu có thể nền kinh tế sẽ “ốm” luôn.

Theo ông Vương Đình Huệ, phần tăng giá bất hợp lý làm lạm phát tăng thêm, cần phải tính đến lợi ích toàn cục chứ không chỉ là lợi ích doanh nghiệp.

Chốt lại buổi làm việc, tân Bộ trưởng bày tỏ: “Nguyên tắc theo cơ chế thị trường với sự quản lý của Nhà nước với lộ trình và mục tiêu trên cơ sở minh bạch chính sách và thông tin. Mặt bằng về chính sách là trách nhiệm của Nhà nước, thông tin là trách nhiệm của doanh nghiệp. Vi phạm thì phải xử lý. Không ai muốn tăng giá xăng cả vì khi giá xăng tăng sẽ tác động đến tình hình lạm phát và ảnh hưởng tới hơn 80 triệu dân. Việc giảm giá cũng vậy, không ai lại bỏ qua khi có cơ hội giảm”.

Ông Huệ cũng khẳng định, thời gian tới Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các cơ sở đầu mối xăng dầu báo cáo toàn bộ tình hình thực trạng kinh doanh xăng dầu từ đầu năm đến nay, nhất là thời điểm từ tháng 1/2011 đến 25/8 khi Bộ Tài Chính điều chỉnh giá và từ 25/8 đến nay, cùng với đó là những tính toán về quỹ bình ổn xăng dầu. Từ đó, Bộ sẽ có những bước đi phù hợp theo đúng yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ.

Quỳnh Anh