1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp thuộc Vinataba âm vốn Nhà nước gần 700 tỷ đồng tính phương án cổ phần hoá

(Dân trí) - Công ty Thực phẩm Miền Bắc đang được tiến hành cổ phần hoá có giá trị thực tế tại thời điểm ngày 1/7/2016 là hơn 917,8 tỷ đồng nhưng trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp âm hơn 688,9 tỷ đồng.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính sớm thống nhất với các địa phương và phê duyệt phương án sử dụng đất sau cổ phần Công ty Thực phẩm Miền Bắc (Fonexim) nhằm đảm bảo tiến độ cổ phần hoá của Fonexim.

Theo đề xuất của Vinataba, sau khi cổ phần hoá, Công ty Thực phẩm Miền Bắc sử dụng 16 cơ sở nhà đất với diện tích mỗi lô từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn mét vuông, trải rộng khắp cả nước. Các lô đất này chủ yếu dùng làm văn phòng, kho chứa hàng, cửa hàng kinh doanh, đầu tư dự án nhà ở và trung tâm thương mại…

Đáng lưu ý, phương án tái cơ cấu Công ty Thực phẩm Miền Bắc đã hé lộ một số thông tin về tình trạng kinh doanh khá bết bát của doanh nghiệp này. Thậm chí, từ năm 2011, Văn phòng Chính phủ đã từng có văn bản chỉ đạo trong trường hợp không thể cổ phần hoá thì có thể tính tới phương án cho phá sản Fonexim.

Fonexim có giá trị thực tế tại thời điểm ngày 1/7/2016 là hơn 917,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp đã âm tới hơn 688,9 tỷ đồng.

Để Công ty đủ điều kiện cổ phần hoá, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đã phải chấp thuận cơ cấu nợ, miễn giảm nghĩa vụ trả nợ cho công ty 688,9 tỷ đồng.

Trong đó, Tổng công ty giảm trừ phần lãi phát sinh từ khoản cho Fonexim vay gần 20,8 tỷ đồng và DATC giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ đối với khoản hơn 688,1 tỷ đồng. DATC chính là đối tác đã mua các khoản nợ của Fonexim với các ngân hàng và trở thành chủ nợ chính của Fonexim từ năm 2016.

Phương án tái cơ cấu/cổ phần hoá Fonexim sẽ chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 xử lý âm vốn chủ sở hữu theo phương án ở trên. Giai đoạn 2 sau khi xác định giá trị doanh nghiệp, nếu Fonexim có phát sinh lỗ (do kinh doanh, do nợ lãi vay phát sinh, xử lý nợ phải thu khó đòi…), Tổng công ty Vinataba và DATC có trách nhiệm xử lý giảm trừ trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp này.

Fonexim là doanh nghiệp nhà nước chuyên bán buôn, bán lẻ các mặt hàng như đường ăn, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, thuốc lá… Hai chủ nợ của công ty, đồng thời cũng là các doanh nghiệp nhà nước là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba). DATC và Vinataba sẽ là các cổ đông chính lần lượt sở hữu 65% cổ phần và 30% cổ phần của Fonexim sau khi công ty này cổ phần hóa.

Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Fonexim sẽ ở mức 200 tỷ đồng. Tổng số lượng cổ phần mà DATC và Vinataba nắm giữ sau khi Fonexim cổ phần hóa là 19 triệu đơn vị, tương đương 190 tỷ đồng tính theo mệnh giá. 10 triệu cổ phần sẽ được chào bán công khai (IPO) và chào bán cho cán bộ công nhân viên.

DATC và Vinataba sẽ không chi trả tiền cho cổ phần được sở hữu, mà hoán đổi với các khoản nợ của Fonexim. Vì vậy, số tiền cổ phần hóa công ty thu về phụ thuộc vào việc bán 10 triệu cổ phần cho nhà đầu tư đại chúng và cán bộ công nhân viên, với mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.

Số liệu tại báo cáo tài chính cho thấy, tại thời điểm cuối quý III/2017, công ty đã âm vốn chủ sở hữu 1.220 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ở mức 430 tỷ đồng.

Phương Dung

Doanh nghiệp thuộc Vinataba âm vốn Nhà nước gần 700 tỷ đồng tính phương án cổ phần hoá - 2