1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp than "giấy phép con" hậu kiểm gây khó nhập săm lốp phế liệu

(Dân trí) - Công ty Cổ phần kính nổi Chu Lai - CFG vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Tổng cục Hải quan đề nghị thông quan nhanh đối với mặt hàng săm lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng nhập về tại cảng. Đồng thời cho rằng, quy định Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường gây khó cho doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, CFG cho biết, mới đây trong Thông tư số 2067/TCMT-KSON, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ thông quan hàng hóa phế liệu (trong đó có săm lốp cao su đã qua sử dụng) của DN khi đáp ứng yêu cầu có Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường.

CFG cho biết, Thông tư trên đã khiến DN phát sinh thêm về thời gian thông quan, chi phí và tiến độ giao hàng của các hãng tàu tại cảng. "Đây là mặt hàng có giá trị thấp, thời gian dỡ hàng rất ngắn, thường phải nhập theo diện ghép với các mặt hàng khác tại cảng. Chính vì vậy, để đảm bảo đủ các giấy phép hậu kiểm này làm mất thêm thời gian dỡ hàng, tồn kho tại cảng nhập tăng cao", CFG cho hay.

Nhập khẩu săm lốp ô tô cũ về Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý do tác động đến môi trường lớn
Nhập khẩu săm lốp ô tô cũ về Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề quản lý do tác động đến môi trường lớn

Đặc biệt, CFG viện dẫn DN này đã được Chính phủ cấp giấy phép ưu đãi nhập khẩu theo diện DN lớn trong vòng 2 năm mà không phải chịu ràng buộc của các quy định, pháp luật liên quan.

"Trong giấy phép của Thủ tướng Chính phủ cấp cho CFG, Chính phủ đã khẳng định tạo điều kiện thuận lợi cho CFG nhập khẩu mặt hàng săm lốp cao su đã qua sử dụng trong vòng 2 năm từ thời điểm tháng 4/2016. Sau 2 năm từ thời gian kể trên, việc nhập khẩu và hoạt động sản xuất của CFG mới chịu những ràng buộc của các chính sách mới mà Bộ TN&MT đưa ra", công văn của CFG khẳng định.

Chính vì thế, DN này đề nghị Bộ TN&MT và Tổng cục Hải quan cho phép nhập khẩu không áp dụng chính sách hậu kiểm nêu trên.

Để chứng minh năng lực và hoạt động sản xuất của mình không ảnh hưởng đến môi trường, CFG đề nghị Bộ TN &MT nghiên cứu công nghệ, lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường tự động tại ống khói, khu vực nhà máy sản xuất tại huyện Nho Quan, Ninh Bình để đáp ứng việc kiểm tra quan trắc thường xuyên khí thải và môi trường tại công ty. CFG cam kết toàn bộ kinh phí đầu tư, lắp đặt thiết bị quan trắc tự động mà Bộ TN&MT sẽ được công ty chi trả hoàn toàn.

Hiện, săm lốp ô tô nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu dùng làm nguyên liệu đốt cho sản xuất gốm, kính và các ngành nghề thủ công. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động nhập khẩu này rất phức tạp vì có nhiều DN "ma" được thuê để khai giấy phép nhập săm lốp qua sử dụng tại nước ngoài nhưng để tại cảng, gây ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế, nhập khẩu lốp ô tô nằm trong danh sách hạn chế và cấm nhập khẩu do mặt hàng này có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường; hàng phê liệu chất thải có tác động lớn đến môi trường, DN chỉ được quyền nhập khẩu khi có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các container hàng lốp tồn dư tại các cảng như Hải Phòng, Đà Nẵng và Tp HCM đều có từ mấy năm trước, do các DN nhập khẩu không làm các thủ tục hợp pháp hoặc tranh chấp với chủ tàu nên nằm phơi sương nhiều năm liền tại cảng.

Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/6/2016, lượng hàng hoá là săm lốp ô tô đã qua sử dụng tồn đọng nhiều tại các cảng lớn. Trong đó, riêng cảng Hải Phòng có là 1.140 container trong đó 1.060 container không xác định được chủ sở hữu. Trong khi đó, tại TPHCM, tính đến ngày 3/8/2016, lượng hàng tồn là lốp, lốp cao su đã qua sử dụng là 493 container hàng săm lốp qua sử dụng. Lượng hàng săm lốp đã qua sử dụng, ùn ứ lâu tại cảng đã và đang phát sinh chi phí lưu kho, đồng thời hiểm họa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyễn Tuyền