1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp sống nhờ... "tình thương" của ngân hàng

(Dân trí) - Nợ xấu hệ thống ngân hàng quá lớn đang làm nghẽn mạch hệ thống tuần hoàn vốn ra nền kinh tế. Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, trong khi chưa xử lý được nợ xấu, doanh nghiệp vẫn phải sống nhờ vào “tình thương, sự tự giác” của ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng tăng cao.
Nợ xấu ngân hàng tăng cao.

Nợ xấu có thể lên đến 10%

TS. Lê Xuân Nghĩa thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng hiện trạng kinh tế vĩ mô đang tốt dần lên nhưng kinh tế vi mô đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp hiện không có khả năng hấp thụ vốn, do vậy tín dụng không thể tăng trưởng như mong muốn. Nếu cố gắng bơm tín dụng vào nền kinh tế thì rất dễ rơi vào tình trạng dư thừa tiền mặt, bùng lên nguy cơ lạm phát.

Theo đánh giá của TS.Lê Xuân Nghĩa, hiện nợ xấu hệ thống ngân hàng đang ở mức 8% và có thể tăng lên 10% vào cuối năm. Con số nợ xấu quá lớn tới mức ngân hàng và doanh nghiệp không có khả năng tự xử lý và nó làm nghẽn mạch hệ thống tuần hoàn vốn ra nền kinh tế. Đã có thời điểm, “kẻ có tiền không dám cho vay, người đi vay không biết vay làm gì và không thể vay đươc. Người có vốn và cần vốn nhìn nhau qua hàng rào sắt”, ông Nghĩa nói.

Và khi nợ xấu chưa được xử lý thì nền kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân… vẫn phải sống nhờ vào tình thương, sự tự giác của mỗi ngân hàng.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với giả định nợ xấu ở mức 8 - 10% và để cho ngân hàng, doanh nghiệp tự xử lý thì mỗi năm chỉ giải quyết được 1 - 1,5%, nhiều nhất cũng chỉ 2%. Như vậy, để xử lý dứt khoát vấn đề nợ xấu thì phải mất ít nhất 5 năm, thậm chí còn lâu hơn thế. Trong thời gian này, các ngân hàng sẽ phải duy trì mức lãi suất cho vay cao hơn nhiều so với vốn huy động để bù đắp chi phí trích lập dự phòng rủi ro và tăng trưởng của nền kinh tế sẽ rất thấp.

Vì thế, cách duy nhất giải quyết vấn đề này là sự can thiệp của Chính phủ. Nhưng Chính phủ tham gia bằng cách nào cũng là câu hỏi đáng quan tâm. Hiện tại, trong dư luận đang có hai luồng ý kiến. Cách thứ nhất là bơm thẳng tiền vào hệ thống ngân hàng và bắt các ngân hàng phải dùng tiền đó cho doanh nghiệp vay.

“Cách này rủi ro sẽ rất lớn, vì chưa chắc ngân hàng đã cho vay. Vì cho vay sẽ phá vỡ hết chuẩn tín dụng, doanh nghiệp có nợ xấu cũng cho vay. Hơn nữa, đằng sau ngân hàng có nhiều ông chủ của nhiều doanh nghiệp, không lẽ để họ dùng tiền Chính phủ rót vào doanh nghiệp của chính mình?”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi.

Cách thứ hai chính là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia. Công ty này có nhiệm vụ mua lấy toàn bộ nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, theo đó, tất cả các khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ chuyển sang cho công ty mua bán nợ. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp thay vì nợ ngân hàng thì chuyển thành con nợ của công ty này.

TS.Lê Xuân Nghĩa.
TS.Lê Xuân Nghĩa.
Nên mua - bán nợ thế nào?

Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, công ty mua bán nợ có thể thực hiện “thu gom” nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo ba cách. Thứ nhất, biến khoản nợ thành cổ phần để trở thành cổ đông của doanh nghiệp với trường hợp đó là những doanh có tiềm năng phát triển sau khủng hoảng. Như vậy, những tài sản thế chấp sẽ được trả lại cho công ty đó.

Thứ hai, bán các tài sản nợ, tài sản thế chấp từ nợ bằng cách đấu giá công khai. Kết thúc đợt bán, công ty mua bán nợ sẽ lấy lại vốn đã bỏ ra, còn lại trả cho doanh nghiệp.

Thứ ba, biến tất cả khoản nợ đó thành một gói chứng khoán hóa và bán trái phiếu ra thị trường. Cách làm này đòi hỏi điều kiện phải có một thị trường chứng khoán tốt như ở Mỹ. Ngoài ra, một số khoản nợ cần được xóa đi như của nông dân vay trồng trọt, chăn nuôi do thiên tai, dịch bệnh làm cho mất hết…

Nói về mức giá mà công ty mua bán nợ khi đi thu gom nợ xấu ngân hàng, ông Nghĩa dẫn chứng kinh nghiệp từ Trung Quốc, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ định giá mua nợ xấu theo nhóm, nhóm 3 giá bao nhiêu, nhóm 4 giá bao nhiêu… và các công ty mua bán nợ sẽ mua theo giá này. Trong trường hợp các ngân hàng thương mại không bán thì NHNH có thể tăng dự phòng rủi ro, bắt trích lập đầy đủ, thậm chí theo chuẩn kế toán mới để dự tính năm sau trừ vào tổng tài sản.

Đi theo hướng ủng hộ thành lập công ty mua bán nợ xấu, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, nếu doanh nghiệp nào rơi vào phương án xử lý nợ theo hướng biến thành cổ phần thì tài sản thế chấp vẫn còn nguyên và có thể vay ngân hàng bình thường. Nếu nợ xấu được bán thành tiền thì doanh nghiệp có lẽ sẽ có một khoản tiền.

“Mục tiêu của việc xử lý nợ xấu chính là để tiền thật chảy vào nền kinh tế chứ không phải là những khoản tiền trên giấy. Có như vậy, nền kinh tế mới tăng trưởng thật”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền