1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Doanh nghiệp ngoại "rục rịch" giảm đầu tư tại Việt Nam

(Dân trí) – Các doanh nghiệp châu Âu đang cho thấy sự đi xuống về lòng tin về đầu tư ở Việt Nam, mà một trong các nguyên nhân lại từ mối bận tâm về…lạm phát!

Doanh nghiệp ngoại rục rịch giảm đầu tư tại Việt Nam
Doanh nghiệp ngoại đánh giá, sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, tỉ lệ lạm phát cao, tham nhũng và các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn (ảnh minh họa).

Theo báo cáo khảo sát lần thứ 7 về đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu hàng quý do Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố, chỉ số môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu đã giảm 3 điểm xuống còn 53 trong quý I.

Eurocham cho biết, phản hồi của doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại “không tốt” tăng 10% lên đến 29%, cao hơn mức 19% của quý trước. Trong khi đó, không một doanh nghiệp nào phản hồi tình hình kinh doanh hiện tại của họ là “xuất sắc”.

Mặc dù có 38% lạc quan cho rằng triển vọng kinh doanh sắp tới sẽ “tốt” song vẫn thấp hơn so với mức 51% hồi năm ngoái. 26% phản hồi cho thấy sự bi quan về triển vọng kinh doanh trong vòng 6 tháng tới. Eurocham cho rằng, những kết quả trên chưa thực sự tích cực và ít có sự phục hồi trong triển vọng kinh tế. Điều đáng lo ngại là 62% đánh giá triển vọng kinh doanh của họ là “trung bình” hoặc tiêu cực. 

Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong năm 2012, rất nhiều thành viên tham gia tiếp tục thể hiện sự thận trọng. 34% muốn duy trì mức độ đầu tư và 38% đang tìm kiếm để tăng đầu tư tại Việt Nam

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp tìm cách duy trì đầu tư, điều đáng lo ngại là gần một phần ba doanh nghiệp trong cuộc khảo sát này đang cân nhắc việc giảm đầu tư tại Việt Nam. 28% doanh nghiệp tìm cách giảm đầu tư tổng thể tại Việt Nam tăng so với mức 24% của quý trước, phản ánh sự đi xuống về lòng tin vào đầu tư.

Lạm phát vẫn là mối đe dọa chính!

Báo cáo của Eurocham tiếp tục cho thấy mối lo ngại về lạm phát, trong khi triển vọng kinh tế vĩ mô đã có chút nới lỏng của các doanh nghiệp ngoại.

Có 5,63% doanh nghiệp cho rằng VND sẽ mất giá, tỉ lệ này ít hơn so quý trước, như vậy là, lòng tin vào điều hành kiềm chế lạm phát của Chính phủ có tăng lên. Tuy nhiên, 57% phản hồi vẫn đánh giá lạm phát là mối quan ngại chính, thậm chí là sự đe dọa công việc kinh doanh của họ tại Việt Nam – đây thực sự là một điểm khá bất ngờ trong bối cảnh hiện nay, khi mà 4 tháng, lạm phát cả nước đã về mức thấp, GDP tăng khiêm tốt làm dấy lên mối lo ngại về thiểu phát và giảm phát.

Khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn tại Việt Nam, cơ quan khảo sát cũng nhận thấy có một sự nới lỏng nhẹ về triển vọng. 45% doanh nghiệp mong rằng có “sự ổn định và phục hồi” về tình hình kinh tế hiện tại (tăng 10% so với quý trước). Điều này cho thấy sự gia tăng về lòng tin nhưng 55% phản hồi vẫn mong muốn tình hình kinh tế tổng thể sẽ không tiếp tục xấu đi.

Giám đốc điều hành Paul Jewell nhận xét, “Sự bất ổn của nền kinh tế vĩ mô, tỉ lệ lạm phát cao, tham nhũng và các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Các nhà đầu tư châu Âu đang ngày càng tìm kiếm các điểm đến đầu tư khác trong ASEAN. Do đó, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để duy trì sức cạnh tranh trong khu vực. Các tiến trình có thể nhìn thấy được hướng đến một hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ là bước đi đúng đắn và giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư.”

Bích Diệp