1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Doanh nghiệp khoáng sản, xăng dầu vẫn "nhất bảng" về doanh thu

(Dân trí) - Trong danh sách 500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam, ngành xăng dầu, khoáng sản đang dẫn đầu về tỷ lệ, chiếm hơn 31% tổng doanh thu cho thấy nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào các ngành khai thác tài nguyên.

ksxd-1448957367488

Nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khai thác tài nguyên

Công ty Vietnam Report vừa công bố Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015. Theo đó, về cơ bản các cấu trúc ngành của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế vẫn không có nhiều thay đổi.

Ngành khoáng sản, xăng dầu mặc dù chỉ đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trong bảng (14,4%) nhưng lại đứng đầu bảng về tỷ lệ doanh thu khi chiếm 31,6% toàn bảng.

Trong khi đó các ngành mang tính sáng tạo như nhóm ngành Viễn thông – Công nghệ thông tin lại chỉ tạo ra khoảng 7,7% doanh thu toàn bảng (tăng không đáng kể so với mức 7,1% so với năm 2014).

Điều này cho thấy, sự phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên của nền kinh tế vẫn rất lớn.

Do đó, việc tập trung phát triển giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp trong các nhóm ngành kinh tế sáng tạo như viễn thông, công nghệ thông tin và giảm sự phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên như khoáng sản, xăng dầu là vô cùng quan trọng, góp phần thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và dân trí xã hội.

Top 5 ngành có tỷ trọng Doanh thu đóng góp vào BXH VNR500 2015 lớn nhất (Đơn vị: %)
Top 5 ngành có tỷ trọng Doanh thu đóng góp vào BXH VNR500 2015 lớn nhất (Đơn vị: %)

Số liệu thống kê của Bảng xếp hạng VNR năm nay cũng cho thấy, các DNNN vẫn chiếm tỷ trọng 57% doanh thu của toàn bảng. Tuy nhiên, số lượng DNNN trong bảng xếp hạng tiếp tục có sự giảm nhẹ so với năm trước (38,4% so với 40,8%). Điều này phản ánh phần nào quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN.

Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay đang là một trong những động thái tích cực của Chính phủ trong việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn giữa các thành phần doanh nghiệp, giúp chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực tư nhân và FDI. Thông qua đó tạo điều kiện thúc đẩy sự tham gia của 2 khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng cho đến nay việc cổ phần hoá chủ yếu được tiến hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước quy mô nhỏ. Số lượng DNNN giảm mạnh nhưng số DNNN còn lại chưa cổ phần hoá và sẽ cổ phần hoá tiếp lại là những DNNN quy mô lớn, chủ yếu là Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty – những doanh nghiệp trước nay vẫn đem lại doanh thu hoạt động tương đối lớn.

Theo đánh giá đưa ra tại báo cáo, một yếu tố được cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam cho rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh chính là các cam kết về doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Cụ thể các cam kết về DNNN sẽ phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các doanh nghiệp tư nhân. Có 87,8% các doanh nghiệp phản hồi tin rằng điều này sẽ tạo ra những chuyển biến tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Bích Diệp