1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hà Nội:

Doanh nghiệp “đã và sẽ” tăng cước vận tải

(Dân trí) - Chịu tác động trực tiếp bởi tăng giá xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải tại các bến xe khách Hà Nội đã và đang đề xuất xin tăng cước phí để bù lỗ giá nhiên liệu. Tính đến ngày 1/3, có 22 doanh nghiệp vận tải hành khách “đòi” tăng giá 10 - 15%.

Thông tin này do ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội cho PV Dân trí biết sáng 1/3.
 
Các doanh nghiệp đưa ra lí do giá nhiên liệu và chi phí đầu vào tăng cao gây khó khăn cho tình hình kinh doanh nên cần thiết phải tăng giá cước vận chuyển hành khách trên các chặng tuyến.
 
Doanh nghiệp “đã và sẽ” tăng cước vận tải - 1
Sau đợt xăng dầu tăng giá mạnh, các doanh nghiệp vận tải đồng loạt "đòi" tăng giá cước"
 
Ông Trung cho hay: “Tại bến xe Mỹ Đình, Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang đã tăng 12% giá cước. Các doanh nghiệp ở bến xe Gia Lâm đã tăng giá từ 10 - 15% là: Buýt Hải Âu chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Công ty cổ phần Xe khách Bắc Giang và một doanh nghiệp nhỏ ở Thái Bình.
 
Tại bến xe Giáp Bát, Xí nghiệp Xe khách Nam chạy các tuyến Thái Bình, Nam Định tăng giá từ 10 - 15%; Doanh nghiệp Quân Trung chạy tuyến Hà Nội - Gia Lai tăng 15% cước phí”.
 
Trong tình hình giá xăng dầu tăng cao, ông Trung khẳng định: “Chúng tôi sẽ đình tải những doanh nghiệp tăng giá quá cao, tăng giá tùy tiện nhằm đảm bảo đúng các quy định của Nhà nước về việc quản lý cước vận tải và thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội”.
 
Liên quan đến vấn đề này, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các Xí nghiệp quản lý bến xe tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát việc tăng giá cước vận tải; niêm yết giá vé của các đơn vị trên thành xe, khu vực bán vé của bến… nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định. Các bến chỉ tổ chức bán vé theo giá mới cho đơn vị vận tải khi các đơn vị này có đầy đủ thủ tục và hồ sơ đúng quy định.
 
Đối với các doanh nghiệp vận tải, phải cung cấp đầy đủ hồ sơ đăng ký giá cước được các cơ quan chức năng chấp thuận cho tăng giá. Các đơn vị có mức tăng giá vé đột biến phải giải trình và có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý có thẩm quyền.
 
Được biết, đợt xăng dầu tăng giá mạnh hôm 24/2 đã khiến cho tình hình thị trường và hoạt động khai thác của các ngành sản xuất, kinh doanh vô cùng vất vả. Một số doanh nghiệp tự ý tăng giá, tăng phí đã bị các bến xe đình tải.
 
Đối với các hãng taxi ở Hà Nội đã có sự điều chỉnh giá cước sau khi giá xăng A92 tăng lên 19.300 đồng/lít. Sự điều chỉnh này linh hoạt và tinh tế mà khách hàng dù muốn hay không cũng phải chấp nhận mức giá đó.
 
“Bên anh, mở cửa vẫn là 12.000 đồng như bình thường, nhưng từ Km thứ 2 tới Km thứ 30 thì giá cước đã được điều chỉnh lên giá 12.700 đồng/Km. Thì mình vẫn phải duy trì giá mở cửa cũ cho nó nhẹ nhàng, ai lại tăng ngay từ cây số đầu…” - anh Hưng, taxi Hà Nội cười nói.
 
Giá xăng tăng kéo theo cước xe taxi tăng, không ai khác chính khách hàng là người hiểu rõ nhất, bởi họ là người móc tiền túi ra trả cho dịch vụ này.
 
“Trước kia, mình đi taxi từ nhà ở hồ Tây ra tới bệnh viện Bạch Mai làm việc chỉ phải trả 110.000 đồng/lượt nhưng từ hôm taxi tăng giá (được lái xe giải thích do giá xăng tăng) thì mình đã phải trả 120.000 đồng/lượt” - anh Leon, khách đi taxi thường xuyên chia sẻ.
 
Đối với một số hãng taxi chạy bằng nguyên liệu gas thì việc tăng giá xăng A92 ít chịu ảnh hưởng hơn.
 
Ở loại hình vận tải đường sắt, mới đây Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đề xuất tăng giá vé tàu hỏa (loại ghế ngồi cứng) thêm 5% bắt đầu từ ngày 1/4 tới.
 
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, nếu tính theo chi phí nhiên liệu so với năm 2010 thì giá thành vận tải đường sắt hiện đã tăng thêm 7%.
 
Quỳnh Anh - Thanh Xuân