1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Định giá toàn diện, điện sao còn cạnh tranh?!

(Dân trí) - “Khâu phát điện, truyền tải điện đã thực hiện theo “khung” quy định tại luật Giá. Giờ luật Điện lực quy định thêm giá phân phối điện nữa thì cạnh tranh ở khâu nào” - Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề trong phiên thảo luận chiều 14/8.

Lần thứ 2 trình UB Thường vụ QH cho ý kiến về dự thảo luật Điện lực, cơ quan soạn thảo – Bộ Công thương nêu đề xuất thu phí điều tiết điện lực.

Chiều cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Điện lực, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình với đề xuất của cơ quan soạn thảo. Điều tiết thị trường điện lực theo lập luận của cơ quan soạn thảo, là công việc phức tạp, cần lao động có chuyên môn rất cao nên phải thu hút được nhân lực chất lượng tốt. Phí điều tiết điện lực dự định để phục vụ cho hoạt động của đơn vị điều tiết điện lực (phát triển từ Cục Điều tiết điện lực hiện nay. Khi đó, vấn đề này không do Bộ Công Thương quản lý nữa.
 
Ngành điện vẫn loay hoay với bài toán độc quyền và định hướng thị trường điện cạnh tranh.
Ngành điện vẫn loay hoay với bài toán độc quyền và định hướng thị trường điện cạnh tranh.

Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng phân trần: “Phí này sẽ được thu từ các đơn vị tham gia vào thị trường điện lực và mức thu sẽ không quá lớn, không ảnh hưởng tới cạnh tranh”.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển tỏ ý băn khoăn vì chưa thấy rõ lý do thu phí, đánh giá tác động đối với hoạt động kinh doanh và đời sống, và đặc biệt là việc sử dụng nguồn phí thu được.

Nhiều ý kiến các thành viên UB Thường vụ cũng cho rằng, ngân sách nhà nước nên đảm bảo chi cho loại phí này. “Trong điều kiện nước ta chưa có thị trường điện cạnh tranh đầy đủ thì không nên đặt ra vấn đề đó” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến.

Một nội dung khác gây nhiều tranh luận là đề xuất quy định giá phân phối điện mà cơ quan soạn thảo thiết kế trong dự luật. Đa số các ủy viên UB Thường vụ cho rằng, nhà nước chỉ nên quy định khung giá phát điện, truyền tải điện. Giá các mặt hàng này cũng đã được quy định trong luật Giá.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích ở góc độ, kể cả sau này khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khâu phân phối vẫn sẽ còn độc quyền vì không thể có hai hệ thống đường dây truyền tải.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách “bật” lại, dù hiện tượng “độc quyền tự nhiên” trong ngành điện là khó tránh, vẫn phải đi đúng định hướng xây dựng thị trường điện cạnh tranh: “Luật Giá đã có quy định khung về giá phát điện và truyền tải điện. Giờ luật Điện lực lại định cả giá phân phối điện nữa thì cạnh tranh ở khâu nào?”

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phân tích, cần để các doanh nghiệp cạnh tranh chứ nhà nước không thể can thiệp vào tất cả các khâu. “Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào thiểu số, miền núi… nếu giá mua điện cao”. Ông Hùng nhấn mạnh có cạnh tranh thì các doanh nghiệp phân phối điện mới chú ý cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất điện năng.

P.Thảo