1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đồng Nai:

Điêu đứng vì không được tách thửa đất

(Dân trí) - Nhà sắp sập không được làm mới. Con vào đại học cần tiền đóng mà không bán được đất... Đó là một trong nhiều thế khó mà người dân đang gặp phải khi chính quyền "cấm cửa" đối với các hồ sơ tách thửa.

Tháng 4/2017, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản số 3534/UBND-CNN yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra để xác định cụ thể nội dung phản ánh liên quan đến phân lô bán nền đất nông nghiệp, lâm nghiệp và báo cáo kết quả cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 29/4.

Văn bản do ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký ban hành cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa đất trên địa bàn, chờ thời gian hoàn thiện quy định tách thửa mới, đảm bảo tính chặt chẽ việc tách thửa theo quy định pháp luật cho phù hợp tình hình biến động đất đai ngày càng tăng.

Điêu đứng vì không được tách thửa đất

Đã hơn 3 tháng qua, kể từ ngày văn bản 3534/UBND-CNN ban hành, thị trường đất nền tỉnh Đồng Nai dường như "đứng hình".

Những ngày qua, khi chúng tôi đến một số địa phương khảo sát thực tế, ở đâu cũng nghe người dân thở than vì đang lâm vào cảnh "điêu đứng".

Anh Phạm Hoàng Việt (26 tuổi, làm công nhân tại huyện Nhơn Trạch) nói như "khóc ròng" vì vợ sắp sinh mà nhà thì không được xây.

Việt cưới vợ được thời gian. Tháng 5 vừa qua, tích góp tiền dành dụm bấy lâu, tiền cưới, tiền vay mượn của người thân, bạn bè, vợ chồng Việt mua mảnh đất 100 m2 trị giá 350 triệu đồng. Vợ có bầu, niềm mong mỏi có căn nhà nho nhỏ để đón đưa con đầu lòng càng cấp thiết hơn bao giờ hết. Thế nhưng, việc hợp thức hóa mảnh đất gặp khó khăn khi chính quyền không cho tách thửa.

"Tôi mang đơn xin cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựng... thì bị từ chối vì phải chờ quyết định mới của UBND tỉnh. Tài sản tích góp, vay mượn giờ nằm phơi nắng phơi mưa còn tôi chỉ có tờ giấy mua bán viết tay lận lưng", Việt bức xúc.

Người mua đất thì không được tách thửa, xây dựng, hoàn cảnh của vợ chồng anh Trịnh Xuân Đường, ấp 2, xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai còn "bi đát" hơn.

Không bán được đất, không sửa được nhà, vợ chồng anh Đường đang ở thế khó khi nhà xuống cấp, con đi học mà không có tiền
Không bán được đất, không sửa được nhà, vợ chồng anh Đường đang ở thế khó khi nhà xuống cấp, con đi học mà không có tiền

Chỉ tay vào những bức tường cũ kỹ, mái che rách nát, anh Đường không giấu được tiếng thở dài. "Anh thấy đấy, gạch cát, xi măng, sắt thép mua về tập kết hết rồi. Nhà sắp sập mà không được sửa. Nhiều người lâm vào hoàn cảnh như tôi lắm. Cái văn bản số 3534/UBND-CNN chỉ hành dân. Trên đưa xuống mà không xem xét thực tế, chỉ chết người dân", anh Đường bức xúc.

Không chỉ không sửa được nhà, anh Đường muốn cắt thửa đất để bán mà cũng không được. "Miếng đất này người ta trả tôi cũng vài trăm triệu đồng. Họ đã đặt cọc 50 triệu đồng rồi. Tôi muốn bán để lấy tiền sửa nhà và cho đứa con lớn học đại học và đứa nhỏ cũng sắp đến ngày tựu trường. Vậy mà không cho tách thửa nên tôi cũng không biết ăn nói làm sao với người mua", anh Đường nói thêm.

Ngay sát nhà anh Đường là gia đình chị Phạm Thị Thủy cũng đang "khóc ròng" vì không bán được đất trong khi chủ nợ ngày càng thúc giục.

Mấy năm qua, chị Thủy chăn nuôi heo. Giá heo rớt, chị lâm cảnh vỡ nợ với số tiền lên đến vài trăm triệu đồng. Lãi suất cao, nợ này chồng nợ kia nên chị Thủy quyết định cắt đất bán. Thế nhưng, vì bị cấm tách thửa nên không thể bán đất lấy tiền trả nợ nên chị Thủy liên tục khất hẹn.

"Cao su rẻ, điều thất thu, chăn nuôi đuối. Thời gian này kẹt tiền quá mà bán đất không được. Nhiều lúc muốn tự tử chết vì nợ quá nhiều", chị Thủy nói mà rơm rớm nước mắt.

Không chỉ người dân lâm vào khốn khó, nhiều nhà đầu tư vào đất nền cũng "nóng ruột" chờ văn bản giải quyết đầu ra tình trạng phân lô tách thửa của chính quyền.

Không tìm được đầu ra cho đất dự án, chủ đầu tư chỉ biết làm nơi để chăn nuôi vịt
Không tìm được đầu ra cho đất dự án, chủ đầu tư chỉ biết làm nơi để chăn nuôi vịt

Anh Thanh cùng những người thân trong gia đình hùn hạp, vay của ngân hàng với số tiền hơn 20 tỷ đồng để đầu tư đất nền ở xã An Viễn (Trảng Bom), Phước Thái (Long Thành)... Giá khi mua là 12 tỷ đồng/ha, sau khi làm hạ tầng, đường sá đúng quy định của Nhà nước thì nhích lên 2,5-2,7 triệu đồng/m2. Đầu tư xong, đất... đứng hình.

Anh Thanh tính là sau 1-3 tháng đầu tư thì sản phẩm bán được. Giờ không tách thửa được. Vốn chôn, nợ ngân hàng cao, chậm tiến độ.

"Ham muốn làm ăn mà ngưng kiểu này không kích thích nhà đầu tư. Muốn dừng là dừng, muốn làm là làm thì ai dám đầu tư làm ăn ở đây nữa", anh Thanh bức xúc.

Sẽ sớm ban hành quy định mới

Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định, Sở này đang tham mưu cho UBND tỉnh về vấn đề tách thửa. Dự thảo đã có nhưng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cần rà soát, lấy ý kiến của các Sở ngành liên quan một lần nữa trước khi ban hành.

"Chúng tôi thống nhất chủ trương gỡ những trường hợp người ta tách thửa đương nhiên theo nhu cầu. Những cái nào người ta cần buôn bán, lấy tiền làm nhà, cắt một miếng chuyển mục đích xây nhà, thi hành án, thực hiện thừa kế theo di chúc có hiệu lực thì phải giải quyết trước. Đồng thời, văn bản mới vẫn đảm bảo không để xảy ra những trường hợp tách thửa tùm lum, làm những khu dân cư không đảm bảo quy định", ông Thường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Lục Hoà, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc phân lô tách thửa là vấn đề mà lãnh đạo địa phương này đang trao đổi, thảo luận nhiều và có nhiều ý kiến của cử tri. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang rà soát lại một lần nữa trước khi ban hành.

Công Quang