1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Điều chỉnh lương tối thiểu năm 2011 lên 830.000 đồng/tháng

(Dân trí) - Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2011 từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, thực hiện phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niêm đối với nhà giáo.

Điều chỉnh lương tối thiểu năm 2011 lên 830.000 đồng/tháng - 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).
 
Đây là nội dung do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo về tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2010, dự toán NSNN và phương án bổ sung Ngân sách trung ương năm 2011. Theo đó, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Tốc độ tăng chi thường xuyên là quá cao (19%), nếu bao gồm cả chi cải cách tiền lương (27.000 tỷ đồng) thì tốc độ tăng chi thường xuyên còn cao hơn.
 
Do đó, đề nghị Chính phủ cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên để giảm áp lực tăng chi NSNN rất lớn trong khi thu NSNN chỉ tăng 13,5%; bố trí tăng chi quản lý hành chính ở mức hợp lý… đồng thời nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính và biên chế.
 
Đối với chi đầu tư phát triển, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nhu cầu đầu tư vốn phát triển của nền kinh tế là rất lớn và việc bố trí NSNN hiện nay cũng chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu đó.
 
Tuy nhiên, trong điều kiện NSNN còn có hạn, bội chi NSNN còn cao, dư nợ Chính phủ càng gần đến giới hạn an toàn thì số vốn NSNN dành cho chi đầu tư phát triển năm 2011 là một cố gắng rất lớn trong vố trí vốn đầu tư. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương có các biện pháp tích cực để huy động vốn đầu tư thông qua các biện pháp xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN.
 
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cơ cấu lại và có tính toán cụ thể về số chi đầu tư cho phù hợp, điều chỉnh ở mức hợp lý với khả năng của NSNN.
 
Đồng thời Chính phủ cần tổng kết, đánh giá lại các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN một cách toàn diện; xem xét tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; kiên quyết loại bỏ khỏi danh m,ục các công trình, dự án không đủ thủ tục đầu tư, kém hiệu quả, từ đó đề xuất danh mục dự án, công trình thực hiện trong năm 2011 và các năm tiếp theo theo hướng hiệu quả cao, tránh dàn trải, phân tán.
 
Về tình hình thu NSNN năm 2010, báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng thu NSNN ước cả năm đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% (tương đương 58.600 tỷ đồng) so với dự toán, với hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán.
 
Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận xét: Chính phủ đã đánh giá tình hình thu NSNN khá tích cực so với nhiều năm trước; tuy nhiên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá sát thực số thu NSNN năm 2010 để làm căn cứ xây dựng dự toán năm 2011 - năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách.
 
Đây cũng là căn cứ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu, tích cực đôn đốc thu những tháng cuối năm, hạn chế số thuế nợ đọng để số thu đạt kết quả tích cực hơn.
 
Phân tích các nguồn thu cho thấy, thu nội địa ước đạt 325.000 tỷ đồng, vượt 10,3% so với dự toán. Trong đó, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng 8,5% so dự toán, tăng 28,9% so với năm trước là nhân tố khá tích cực.
 
Còn số thu từ dầu thô ước thực hiện cả năm đạt 68.600 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán, với sản lượng thanh toán đạt 14,67 triệu tấn, giá bán bình quân ở mức 73 USD/thùng. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, số thu từ dầu thô phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá cả thị trường thế giới, do đó nhất trí với Chính phủ về số ước thực hiện.
 
Về định hướng sử dụng số vượt thu của NSNN 58.600 tỷ đồng, trong đó ước ngân sách trung ương vượt thu 35.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương vượt 23.000 tỷ đồng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng: Số bội chi NSNN nhiều năm gần đây khá lớn, trong khi số tăng thu chưa thực sự được ưu tiên để giảm bộ chi.
 
Vì vậy, số tăng thu năm 2010 là cơ hội tốt để xử lý các vấn đề tài chính, cần được ưu tiên sử dụng để tăng chi trả nợ và giảm bội chi. Đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị nên dành mức từ 6.000 đến 10.000 tỷ đồng để giảm bội chi NSNN năm 2010 nhằm giảm áp lực về tăng bội chi NSNN những năm sau.
 
Đồng thời Chính phủ sớm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết số vượt thu Ngân sách trung ương năm 2010 trước khi thực hiện.
 
Nhóm PV