1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vấn đề kinh tế trong tuần:

Dẹp vỉa hè: Hàng quán sa thải nhân công, dân mua ô tô "đau đầu" chỗ đậu

(Dân trí) - Chiến dịch dọn vỉa hè được đánh giá là đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên, hậu chiến dịch này khiến nhiều người lao động mất việc làm, hàng quán giảm doanh thu. Đồng thời, với việc lấy lại bộ mặt sạch sẽ, văn minh cho đô thị cũng sẽ khiến các nhà chức trách phải đau đầu với bài toán hạ tầng giao thông, quy hoạch chỗ đỗ xe cho người dân giữa bối cảnh lượng xe nhập về ngày một lớn.

Gần 1 tháng nay, nhiều người lao động chân tay từng ngày ngắc ngoải tìm kiếm một công việc khác, nhưng khó khăn biết bao khi công việc họ có thể làm chỉ là những công việc mưu sinh nhờ vỉa hè.

Một quán bia hơi trên con phố bị dọn dẹp vỉa hè rất vắng khách dù đang trong giờ cao điểm.
Một quán bia hơi trên con phố bị dọn dẹp vỉa hè rất vắng khách dù đang trong giờ cao điểm.

Như mọi ngày, 8 giờ sáng, H. từ phòng trọ đi ra quán bia mà anh đang làm chân chạy bàn để bắt đầu một ngày làm việc mới. Tuy nhiên, vừa nhìn thấy H., cô Lê, chủ quán liền nói: “Hết hôm nay cháu nghỉ nhé. Dù cháu làm tốt nhưng cô đành phải cho nghỉ thôi, vì sao chắc cháu cũng hiểu…”.

Cô Lê cho biết, mặc dù ủng hộ chính sách của Nhà nước nhưng vẫn than phiền, bên cạnh lấy vỉa hè, cơ quan chức năng còn lấy cả sân hè trước nhà thì sẽ rất khó cho người dân kinh doanh buôn bán. Sau chiến dịch lấy lại vỉa hè, doanh thu cửa hàng cô Lê đã giảm 70% trong khi giá thuê vẫn ở mức 30 triệu đồng/tháng nên cô đang tính trả lại cửa hàng để chuyển đi chỗ khác.

Đây cũng là tình trạng chung của giới kinh doanh buôn bán dựa vào vỉa hè trong thời gian gần đây khi chính quyền một số địa phương như Hà Nội, TPHCM... quyết tâm phải dẹp vỉa hè để trả lại lối đi cho người đi bộ, mang lại bộ mặt thông thoáng, văn minh cho đô thị.

Chia sẻ tại cuộc họp báo của Tổng cục Thống kê mới đây, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ cho hay: “Bao lâu nay vỉa hè cũng là nơi kinh doanh buôn bán của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đặc biệt là các hộ liên quan đến hàng hóa, dịch vụ ăn uống và đương nhiên việc dọn dẹp vỉa hè cũng ảnh hưởng đến công ăn việc làm của một số hộ sử dụng vỉa hè để kinh doanh".

Theo đó, hiện nay, số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể của nước ta vào khoảng 4,6 triệu đến 4,8 triệu hộ bao gồm cả các hộ sản xuất công nghiệp, kinh doanh vận tải, thương mại trong đó cơ sở sản xuất buôn bán hàng hóa ăn uống bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chiến dịch dọn vỉa hè.

Chiến dịch dọn vỉa hè đương nhiên ban đầu sẽ có ảnh hưởng đến doanh thu, lực lượng nhân công của các hộ kinh doanh buôn bán hàng hóa, dịch vụ ăn uống nhưng về lâu dài thì chúng ta cũng phải ủng hộ chủ trương của Nhà nước và tạo thói quen văn minh đô thị, không lấn chiếm, sử dụng tài sản công cho cá nhân” - đại diện Tổng cục Thống kê phân tích.

Còn nhớ, cách đây không lâu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã gợi ý cho quận 1, hậu chiến dịch dẹp bỏ vỉa hè cần phải nghiên cứu tổ chức hỗ trợ người bán hàng rong kinh doanh qua mạng, nếu việc này hiệu quả sẽ phát triển đại trà.

Ý tưởng này có vẻ hợp lý khi thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở nước và Tổng cục Thuế đang tính toán phương án để thu thuế với những đối tượng này, gia tăng ngân sách cho nhà nước và đảm bảo công bằng cho môi trường kinh doanh. Song, để người bán hàng rong từ bỏ vỉa hè, đường phố để cập nhật công nghệ thông tin, bán hàng online - quả thực là một bài toán quá khó trong thực tế!

Nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng mạnh là một thách thức lớn trong quy hoạch giao thông đô thị
Nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng mạnh là một thách thức lớn trong quy hoạch giao thông đô thị

Trong khi đó, đến hết tháng 3/2017, lượng xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh, gấp 1,6 lần so với tháng 2 và gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, trong tháng 3 cả nước nhập khẩu hơn 13.000 ô tô nguyên chiếc, tổng giá trị nhập khẩu đạt 150 triệu USD. Đơn giá bình quân là khoảng 263 triệu đồng/xe.

Nhu cầu tiêu thụ ô tô ở Việt Nam tăng nhanh, đây sẽ là một thách thức lớn trong quy hoạch giao thông, nhất là khi việc đỗ xe, gửi xe của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn khi không thể đậu xe bừa bãi trên vỉa hè như trước.

Về phía cơ quan nhà nước, để giảm số lượng xe công lưu thông và góp phần tiết kiệm ngân sách, gần đây, nhiều cơ quan đã có kế hoạch thực hiện khoán xe công cho một số chức danh lãnh đạo. Chẳng hạn như, theo kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 đến 1,3 thuộc cơ quan này sẽ được áp dụng phương án khoán xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Ngoài ra, với những lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 đến dưới 1,25 sẽ khoán xe ô tô đi công tác nội thành và đi sân bay.

Trở lại với chiến dịch dọn dẹp vỉa hè, phần lớn người ủng hộ đánh giá đây là một chính sách đúng đắn, trong đó phía bị tác động là những người "buôn thúng bán mẹt" chỉ là thiểu số, cần có quy hoạch hoặc phương án để những đối tượng này có địa điểm buôn bán tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Còn đa số những người xâm chiếm vỉa hè trái phép phục vụ kinh doanh đương nhiên phải trả lại không gian công cộng cho người đi bộ, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Cũng có những người khi làm ăn, kinh doanh trở nên khó khăn thì chẹp miệng mơ ước đến việc "trúng số" có thể giúp họ đổi đời.

Tuy nhiên, ngay cả với 21 tỷ phú trúng số Vietlott, không ít người cũng đã gặp phải những rắc rối, thậm chí bị dư luận nghi ngờ bởi những tấm mặt nạ họ sử dụng để che giấu may mắn của mình. Chẳng hạn như gia đình ông Thái, sau khi trúng giải Jackpot 92 tỷ đồng đã bị nhiều đối tượng giang hồ đến từ nhiều tỉnh, thành đã đổ xô tìm kiếm.

Nên nói cho cùng, việc làm giàu bền vững vẫn hơn! Khi làm việc chăm chỉ, tuân thủ đúng pháp luật, vận may ắt hẳn sẽ tới.

Bích Diệp