1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Deloitte: “5 năm tới sản xuất của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan”

(Dân trí) – Đây chính là nhận định của hãng kiểm toán hàng đầu thế giới Deloitte Touche Tohmatsu trong bản báo cáo mới nhất về “Năng lực cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2013”. Theo đó trong vòng 5 năm tới Việt Nam sẽ lọt vào Top 10 thế giới.

Theo nhận định của Deloitte, trong 5 năm tới năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của Thái Lan sẽ tụt từ hạng 11 hiện tại xuống hạng 15 trong khi Việt Nam sẽ lọt vào Top 10 nước có năng lực sản xuất cạnh tranh nhất thế giới, tăng 8 bậc so với hiện tại. Trên quy mô toàn cầu, Đông Nam Á sẽ là điểm sáng chính khi Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam sẽ cùng có mặt trong Top 20 thế giới. 
Việt Nam sẽ vào Top 10 thế giới về năng lực cạnh tranh sản xuất

Việt Nam sẽ vào Top 10 thế giới về năng lực cạnh tranh sản xuất

Trong khi đó Trung Quốc được nhận định vẫn tiếp tục duy trì vị trí số 1 hiện tại, theo ngay sau là Ấn Độ và Brazil. Thông tin vừa được Nualjai Kittisrisomboon, trưởng bộ phận sản xuất của Deloitte Đông Nam Á công bố trong bản báo cáo “Năng lực cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2013” ngày 3/12. Bản báo cáo được thực hiện trên cơ sở phân tích chuyên sâu kết quả khảo sát từ hơn 550 CEO và lãnh đạo cấp cao của các công ty sản xuất toàn cầu.

“Sức cạnh tranh về sản xuất của các quốc gia Đông Nam Á nêu trên được nhận định sẽ còn tăng cao hoặc được giữ vững trong 5 năm tới, đặc biệt là Indonesia và Việt Nam”, bản báo cáo có đoạn viết. Indonesia hiện đứng thứ 17 trên bảng xếp hạng nhưng có thể vươn lên hạng 11. Ấn Độ cũng có khả năng tăng 2 bậc để giành ngôi á quân thế giới. 

Cũng theo bản báo cáo này, ngành sản xuất thế giới đang có sự dịch chuyển. Mặc dù hiện tại Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục là những điểm sản xuất hấp dẫn nhất thế giới nhưng nhiều nhà sản xuất đang chuyển trọng tâm sang các thị trường nhỏ hơn nhưng cũng là điểm nối trong chuỗi cung ứng, sản xuất. Trong đó minh chứng rõ nhất là Trung Quốc đang đánh mất thị phần vào các quốc gia lân cận có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ.

Những cường quốc của ngành sản xuất thế giới trong thế kỷ 20 như Mỹ, Đức và Nhật Bản sẽ phải cạnh tranh để duy trì được lợi thế của mình trước những quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil. Mỹ sẽ tụt từ hạng 3 hiện tại xuống hạng 5 trong khi Hàn Quốc có thể tụt một bậc xuống hạng 6 trong 5 năm tới.

Á quân thế giới hiện nay là Đức nhiều khả năng sẽ rớt xuống hạng 4 và bị Brazil qua mặt. Trong khi đó Nhật Bản rất có thể bị đánh bật khỏi Top 10. Đồng thời sự sụt giảm mạnh về năng lực cạnh tranh của các nước châu Âu cũng sẽ tạo thêm cơ hội cho châu Á. 

“Mỹ và châu Âu đã tiếp tục phải chứng kiến sự lớn mạnh của các thị trường mới nổi và trở thành đối thủ đáng gờm trong thập kỷ vừa qua”, Craig Giffi, phó chủ tịch của Deloitte tại Mỹ phụ trách ngành tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp và là đồng tác giả của bản báo cáo nhận định. 

Giffi kỳ vọng trong vòng 5 năm tới, các thị trường mới nổi chính sẽ còn tiếp tục áp đảo bảng xếp hạng. Trong vòng 10 năm, 10 quốc gia châu Á sẽ chiếm lĩnh Top 15 quốc gia có năng lực sản xuất cạnh tranh nhất. 

Thanh Tùng
Theo Deloitte