1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đề xuất giảm lãi suất cho vay xuống 11%

(Dân trí) - Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội, một trong những phương thuốc hữu hiệu cứu doanh nghiệp hiện nay là phải giảm lãi cho vay, thậm chí xuống mức 11%/năm. Tuy nhiên trên thị trường hiện nay, cho vay không còn trần 15% như Ngân hàng nhà nước mong muốn.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Việt Hưng.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình). Ảnh: Việt Hưng.

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đánh giá, việc thắt chặt tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát là cần thiết nhưng hệ quả là cầu nội địa giảm mạnh, hàng tồn kho lớn, lãi suất tín dụng tăng cao, doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, sản xuất khó khăn có hàng trăm nghìn doanh nghiệp thua lỗ, ngừng sản xuất giải thể, người lao động thất nghiệp tăng cao, an sinh xã hội bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được cho là mô hình hoạt động hiệu quả hơn, nhưng đã bộc lộ những yếu kém về tính thiếu chuyên nghiệp và phát triển không bền vững, dễ bị tổn thương do một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dựa vào nguồn vốn tín dụng là chính, nay phải đối mặt với các mặt bằng lãi suất cao dẫn đến tình trạng bất lợi và lâm vào khủng hoảng thua lỗ, ngừng sản xuất, giải thể khi nền kinh tế khó khăn như hiện nay.

Từ thực tế trên, đại biểu cho rằng, việc doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá rất cần thiết phải có sự hỗ trợ chính sách Nhà nước như hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất tiền vay xuống dưới 11%/năm.
 
Thực hiện chính sách cho vay tiêu dùng giảm bớt các thủ tục rườm rà, giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thực hiện khẩn trương các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách giảm thuế VAT, giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp, cắt giảm tối đa các loại phí không còn phù hợp nhằm giảm bớt chi phí gia nhập thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân,…

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) thì lại nhấn mạnh đến thực tế “đang có tình trạng từ nợ xấu dường như trên thị trường đang quay vòng trở lại, tình trạng doanh nghiệp huy động vốn đã vượt phá trần 9% và cho vay không còn trần 15% như Ngân hàng nhà nước muốn. Tất cả những doanh nghiệp họ cho rằng muốn vay được là ngoài lãi suất còn nhiều khoản khác, tôi mong rằng Ngân hàng Nhà nước kiểm tra làm rõ vấn đề này”.

Đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) kêu gọi Chính phủ, các cơ quan chức năng cần ưu tiên, bố trí nguồn lực để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, tập trung giải quyết việc làm, giảm nghèo, kiểm soát chặt chẽ thị trường, tiếp tục tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn; đặc biệt là thủ tục vay vốn, hạ lãi suất ngân hàng thương mại, cho vay với lãi suất thấp đối với các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Còn theo đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), trong điều kiện dư cung tín dụng như hiện nay, tức là tốc độ huy động tiền gửi hệ thống ngân hàng cao hơn dư nợ cho vay, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc hạ thấp lãi suất và mặt khác phải khơi thông nguồn vốn tín dụng, đổi mới tiếp cận vốn để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp. Đại biểu cho hay: Hiện nay chỉ tính riêng về mặt bằng lãi suất, các doanh nghiệp Việt Nam đã chịu quá nhiều thiệt thòi so với doanh nghiệp các nước trong khu vực.
 
“Mặt bằng lãi suất tiền vay của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2011 là 17%, cao gấp 1 lần so với mức bình quân của các nước trong khu vực, trong khi một số quốc gia khác lãi suất tiền vay chỉ ở mức bình quân từ 5 - 7% như Phillipin, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…Từ đó dẫn đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam được sản xuất trong nước quá cao, kém tính cạnh tranh, mất dần thị phần là điều không thể tránh khỏi”, đại biểu Tuấn so sánh.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp chỉ đạo hệ thống ngân hàng tích cực trong việc chia sẻ rủi ro cùng với doanh nghiệp. Theo đề xuất của đại biểu Tuấn, Chính phủ xem xét chỉ đạo ngân hàng xây dựng các phương án đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp hiện tại đang gặp khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển tốt trong tương lai.
 
“Có như vậy mới tạo được sự công bằng trong kinh doanh, khi có lợi thì doanh nghiệp và ngân hàng cùng hưởng. Nhưng khi gặp rủi ro thì ngân hàng cũng cùng chia sẻ với doanh nghiệp và chia sẻ với cả nền kinh tế”, đại biểu Tuấn nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền