1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đề án tái cơ cấu nền kinh tế thực hiện rất chậm

(Dân trí) - Hiện tại, 17/21 tập đoàn, Tổng công ty 91 đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án tái cấu trúc. Nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thì đề án tổng thể nền kinh tế được các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện rất chậm.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (phải) trao đổi bên hành lang Quốc hội

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (phải) trao đổi bên hành lang Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Báo cáo trước Quốc hội về tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Ngày 19/2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế và sau đó đã có hàng loạt các quyết định, nghị định ra đời như: Nghị định số 53 về việc thành lập công ty quản lý nợ tài sản, phê duyệt Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trọng tâm là các Tập đoàn tổng công ty nhà nước…

Về đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn nói: “Thực sự chúng tôi thấy chậm. Sự vào cuộc của các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp cũng còn chậm cho nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ chỉ thị về việc phân công triển khai từng nhiệm vụ, từng đề án cho các bộ, ngành và các địa phương, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện các đề án này”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong 3 đề án trọng tâm, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước tính cho đến tháng 4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 99/101 phương án tổng thể sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các Bộ, ngành và địa phương.

Nếu tính từ cuối năm 2012 đến nay, các tập đoàn, Tổng công ty 91 (tên gọi chung phổ thông cho các nhóm doanh nghiệp nhà nước được thành lập với mục đích thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh) đã trình Thủ tướng đề án tái cấu trúc lại tổng công ty và đến ngày 20/5 đã có 17/21 tập đoàn, tổng công ty là đã được phê duyệt đề án. Hiện tại, các tập đoàn, tổng công ty này đang dự thảo các nghị định, điều lệ để đổi mới hoàn thiện theo một mô hình mới.

Về đề án tái cấu trúc đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay là đã trình từ năm 2011 nhưng do triển với Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nên Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 1792, còn đề án sẽ nghiên cứu phê duyệt sau.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 1792, 96,5% số vốn do Trung ương kiểm soát đã bố trí tập trung, không dàn trải và theo thứ tự ưu tiên. “Nếu tiếp tục như thế này, đến năm 2015 chúng ta có thể cơ bản chấm dứt được tình trạng đầu tư dàn trải”, Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, việc chuyển vốn đầu tư hàng năm sang kế hoạch trung hạn 3 - 4, Quốc hội đã thông qua danh mục của từng công trình bố trí trái phiếu Chính phủ cho 4 năm, đến nay nhiều công trình sắp hoàn thành, không phải xin cho.

Cũng theo vị bộ trường này, chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã được công bố 5 năm. Nếu lần này Thủ tướng công bố nốt ngân sách Nhà nước thì cả ba lĩnh vực: trái phiếu Chính phủ, ngân sách Nhà nước và chương trình mục tiêu Quốc gia đều được công bố đầy đủ cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Hiệu quả lớn nhất của việc này là tạo ra sự chủ động và sử dụng có hiệu quả. Các Bộ, ngành, địa phương biết mình có bao nhiêu tiền trong 3 năm tới, họ sẽ không bố trí dàn trải, sẽ hạn chế đến mức tối đa cơ chế xin cho và không cần phải đến xin cho.

Đề cập tới tính chính xác của những số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội mà các đại biểu Quốc hội thắc mắc, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Về cơ bản các số liệu chúng ta đang đánh giá và so sánh có thể chưa chính xác nhưng độ tin cậy thì có thể chấp nhận được”.

Nguyễn Hiền