1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đề án quản lý hoạt động, khai thác cá nóc có nguy cơ chết yểu

(Dân trí) - Sau hơn 10 triển khai thí điểm, đề án khai thác, thu gom, chế biến cá nóc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn có nguy cơ không thể tiếp tục.

Hiện có 4 địa phương trong số 5 tỉnh thành đã đề xuất dừng triển khai thí điểm do không có hiệu quả về mặt kinh tế. 4 địa phương này là Hải Phòng, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang. Riêng Khánh Hòa vẫn đề nghị tiếp tục do đã có đầu ra xuất khẩu tương đối ổn định sang Hàn Quốc. Tỉnh này khẳng định, đề án đã có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương.


Về mặt kinh tế, Đề án thí điểm chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt; tỷ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu ban đầu của nhà nhập khẩu chưa cao. (Ảnh: minh hoạ)

Về mặt kinh tế, Đề án thí điểm chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt; tỷ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu ban đầu của nhà nhập khẩu chưa cao. (Ảnh: minh hoạ)

Trong báo cáo mới đây nhất của mình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, năm 2003, trước tình hình ngộ độc do ăn phải cá nóc xảy ra liên tiếp và có chiều hướng gia tăng, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo nghiêm cấm khai thác, lưu thông, chế biến, kinh doanh sử dụng cá nóc dưới mọi hình thức.

Tại công văn chỉ đạo này, Chỉnh phủ giao Bộ Thủy sản nay là Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phương pháp chế biến cá nóc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời có đề án khai thác tận dụng nguồn hải sản này trình Chính phủ.

Thực hiện chỉ đạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các cơ quan thực hiện nghiên cứu Đề án thí điểm khai thác, thu gom chế biến cá nóc sang thị trường Hà Quốc giai đoạn 2004-2016 tại các tỉnh Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu và Kiên Giang.

Sau một thời gian thí điểm, Bộ Nông Nghiệp đánh giá đề án đã đạt được một số kết quả nhất định như các địa phương đã tích cực xây dựng và tổ chức triển khai đề án, đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Kết quả bước đầu đã xuất khẩu được cá nóc đảm bảo đúng chất lượng sang thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên, về mặt kinh tế, Đề án thí điểm chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt; tỷ lệ cá nóc đáp ứng yêu cầu ban đầu của nhà nhập khẩu chưa cao, sản lượng xuất khẩu đạt rất thấp so với kỳ vọng. Chưa kể, không ít cơ sở chế biến xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Hiện có 4 địa phương trong số 5 tỉnh thành đã đề xuất dừng triển khai thí điểm do không có hiệu quả về mặt kinh tế. 4 địa phương này là Hải Phòng, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu và Kiên Giang. Riêng Khánh Hòa vẫn đề nghị tiếp tục do đã có đầu ra xuất khẩu tương đối ổn định sang Hàn Quốc.

Theo Bộ Nông nghiệp, cá nóc là sản phẩm dễ bị lẫn vào các mẻ lưới kéo đáy của ngư dân nên thực tế có một số địa phương nhất định vẫn được đưa về bến cá. Do vậy, Bộ này đề nghị Chính phủ xem xét ban hành văn bản chỉ đạo về việc kiểm soát khai thác, thu mua chế biến xuất khẩu cá nóc (không tiêu thụ nội địa) trên cơ sở giảm thiểu ngộ độc do cá nóc, kiểm soát sự gia tăng về quy mô, tận thu được nguồn lợi từ sản phẩm này mang lại; đồng thời nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu…

H. Anh

Đề án quản lý hoạt động, khai thác cá nóc có nguy cơ chết yểu - 2