1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đầu tư vào Triều Tiên, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khốn khổ

(Dân trí) - Rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang phải ăn chực nằm chờ vô thời hạn tại các khách sạn ở Bình Nhưỡng để mong thu hồi nợ sau khi lỡ bỏ vốn làm ăn tại Triều Tiên. Nhiều doanh nghiệp khác cũng khốn khổ vì môi trường đầu tư quá bất lợi.

Thông tin được tờ Chosun đăng tải dẫn nguồn tin từ tờ nhật báo Trùng Khánh của Trung Quốc. Theo đó, có gần 100 nhà đầu tư Trung Quốc đang phải chờ đợi tại các khách sạn ở trung tâm Bình Nhưỡng với hy vọng thu được nợ từ các đối tác Triều Tiên. Tuy nhiên hầu hết đều không đòi được tiền và một số thậm chí đã bị trục xuất về nước.

 

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang khốn khổ tại Triều Tiên
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang khốn khổ tại Triều Tiên

 

Trước tình hình chậm thanh toán tiền ngày càng tăng của các công ty Triều Tiên, các công ty tại thành phố biên giới Dandong của Trung Quốc giờ đây đã hạn chế cấp tín dụng cho các đối tác. Thay vào đó giờ họ yêu cầu khách hàng Triều Tiên phải trả tiền trước khi giao hàng.

 

Đây không phải lần đầu tiên thông tin về việc các nhà đầu tư Trung Quốc gặp khó khi đầu tư vào Triều Tiên được tiết lộ với báo giới. Hồi tháng 8 năm ngoái, một doanh nghiệp ngành phân bón và khai khoáng có tên Xiyang Group, tại tỉnh Liêu Ninh đã công khai việc mình bị chính quyền Triều Tiên trục xuất và mất trắng 240 triệu nhân dân tệ (khoảng 38,5 triệu USD)vốn đầu tư vào một mỏ sắt.

 

Xiyang Group khẳng định sau khi họ giúp các nhân viên địa phương nắm được cách thực triển khai dự án, họ lập tức bị chính quyền địa phương ép ra đi. Phía Triều Tiên thì tuyên bố Xiyang Group vi phạm hợp đồng.

 

“Sai lầm lớn nhất của Xiyang Group là đã bỏ qua những nguy  khi đầu tư vào Triều Tiên”, Jiao Qiming, lãnh đạo một công ty thương mại Trung Quốc tại Dandong  khẳng định. “Một khi tranh chấp phát sinh, bn không bao giờ có thể thắng được chính phủ Triều Tiên”.

 

Bắc Kinh kêu gọi, doanh nghiệp hưởng ứng và…nhận trái đắng

 

Theo Reuters, suốt nhiều năm qua Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc với kim ngạch hai chiều ước tính khoảng 6 tỷ USD/nămĐể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sang Triều Tiên, ngoài việc tuyên truyền, thuyết phục cùng các ưu đãi về đầu tư, Bắc Kinh còn cho đầu tư xây dựng thêm một nhánh tuyến đường cao tốc G12, từ tỉnh Jilin của nước này chạy thẳng sang Triều Tiên.

 

Bên cạnh đó, năm 2009, nguyên thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tới Triều Tiên để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Đáp lại, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il sau đó cũng 3 lần tới thăm Bắc Kinh trước khi qua đời tháng 12/2011.

Cái bắt tay
 Cái bắt tay của lãnh đạo hai nước không giúp nhiều cho nhà đầu tư Trung Quốc

 

Sau hàng loạt các chuyến thăm này, Trung Quốc và Triều Tiên đã thành lập hai khu kinh tế. Một khu nằm tại Rason, nằm bên trong biên giới Triều Tiên khoảng 50km, đối diện với tỉnh Jilin của Trung Quốc. Khu công nghiệp còn lại gần thành phố Dandong. Một số doanh nghiệp hiện đã hoạt động tại Rason còn khu công nghiệp tại Dandong vẫn đang xây dựng.

 

Thế nhưng việc kinh doanh tại Triều Tiên với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc là rất khó khăn, ngay cả với những người dân tộc tiểu số nói tiếng Triều Tiên tại khu tự trị Yanbian củatỉnh Jilin, Trung Quốc.

 

Chủ một công ty ô tô tại Yanji, thành phố chính của Jilin cho biết mình rất muốn nhìn thấy những chuyến xe tải chở theo ô tô của mình chạy dọc tuyến cao tốc G12 vào Triều Tiên. Trên  một bảng quảng cáo, công ty còn khẳng định mình xuất khẩu hầu như toàn bộ sản phẩm, nhưng thực tế thì khác.

 

“Hầu hết hoạt động kinh doanh của chúng tôi giờ là ở Trung Quốc”, chủ công ty khẳng định. Ông không muốn cho biết tên vì sợ rằng nó sẽ chỉ khiến việc kinh doanh ở Triều Tiên thêm khó khăn.

 

Giám đốc của một hiệp hội thương mại Yanji-Triều Tiên, chuyên bán bao bì thực phẩm vào Triều Tiên cũng khẳng định việc kinh doanh đang khó khăn. “Chúng tôi đang làm ăn ngày càng ít với họ”, ông cho biết.

 

Trong khi Trung Quốc đã tạm dừng các chuyến du lịch đường bộ sang Triều Tiên sau những căng thẳng vừa qua, các doanh nghiệp tại Yanbian cho biết hầu hết nguyên nhân dẫn đến hoạt động du lịch đình trệ đến từ phía Triều Tiên.

 

“Họ ngày càng đòi hỏi cao hơn. Việc xin visa cũng như vượt qua biên giới rất khó khăn. Họ cũng giới hạn những thứ được phép đem vào biên giới”, lãnh đạo một công ty thương mại cho biết.

 

Còn một quan chức chính quyền tỉnh Jilin thì thừa nhận với Reuters rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu mất niềm tin khi đầu tư vào khu công nghiệp Rason

 

Harry Kim, một người Trung Quốc gốc Triều Tiên thuật lại rằng, nỗ lực mở một nhà máy bia tại thành phố ven biển Chongjin của nước này đã không thể thành hiện thực sau hàng tháng phải chờ được cấp phép. Kim khẳng định ông không thể hối thúc bởi “nó có thể làm gia tăng sự hoài nghi”. Cuối cùng ông đành chuyển sang đầu tư vào việc vận chuyển hải sản từ Triều Tiên sang Trung Quốc.

 

Thanh Tùng

Tổng hợp