1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí

(Dân trí) - Sáng nay 15/11, với 78,3% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2011. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí - 1
Tập đoàn dầu khí Việt Nam dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.
 
Theo báo cáo của Ủy ban Thưởng vụ Quốc hội, việc đầu tư và để lại cho PVN là thực hiện chiến lược phát triển mạnh ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 theo quyết định của Thủ tướng và kết luận của Bộ Chính trị.
 
Tập đoàn Dầu khí được để lại ít nhất 50% lợi nhuận từ phần chia cho nước chủ nhà trong Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro và các hợp đồng phân chia sản phẩm; được chủ động sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển ngành công nghiệp, kinh doanh dầu khí; quy trình, thủ tục đầu tư áp dụng theo quy định của pháp luật đầu tư.
 
Trong năm 2011, do khả năng cân đối vốn đầu tư phát triển từ NSNN còn rất hạn chế, việc chi để lại cho PVN 3.500 tỷ đồng chỉ bằng khoảng 50% (khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng) so với mức cần đầu tư trở lại.
 
Qua xin ý kiến, trên 50% ĐBQH không đồng ý bố trí đầu tư trở lại cho PVN như trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn lớn, nhiều dự án, công trình đang trong quá trình triển khai thực hiện, nếu không tiếp tục đầu tư trở lại, ngành dầu khí sẽ gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Vì vậy, đề nghị Quốc hội chấp thuận cho việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho PVN như đề nghị của Chính phủ.
 
Tuy nhiên, để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, tiếp thu ý kiến ĐBQH, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên qua và PVN báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu tư đối với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua. Đồng thời, Chính phủ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với PVN nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật.
 
Về ý kiến ĐBQH đề nghị xem xét việc chi cho các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91, các ngân hàng thương mại Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: Việc bố trí đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là để thực hiện các công trình, dự án phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể vì lợi ích cộng đồng được Nhà nước giao chứ không phải cấp cốn cho doanh nghiệp Nhà nước.
 
Hơn nữa, trong số vốn này có một số nguồn vốn nước ngoài (ODA) hỗ trợ trực tiếp, theo địa chỉ từng dự án, công trình cho các tập đoàn, tổng công ty.
 
Vì vậy, xin Quốc hội chấp thuận khoản chi này cho 5 tập đoàn và Tổng công ty 91, trong đó vốn nước ngoài là 1.090 tỷ đồng hỗ trợ cho Tổng công ty đường sắt Việt Nam; đồng thời đề nghị Chính phủ bố trí NSNN cho một số tập đoàn, tổng công ty, các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục thực hiện cho xong các nhiệm vụ Nhà nước đã giao trong những năm trước đây.
 
Với ý kiến ĐBQH đề nghị tăng hỗ trợ vốn đầu tư cho các tỉnh nghèo thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Năm 2011 là năm đầu tiên áp dụng tiêu chí, định mức giai đoạn 2011 - 2015 với tổng số vốn đầu tư trong cân đối (không bao gồm đầu tư từ thu sử dụng đất) là 43.200 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với 2010.
 
Tổng vốn đầu tư trong cân đối của các tỉnh miền núi phía Bắc tăng 57,6%; các tỉnh đồng bằng sông Hồng tăng 25,4%; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tăng 50,7%; các tỉnh Tây Nguyên tăng 51%...
 
Nhìn chung, việc bố trí vốn đầu tư cho các địa phương năm 2011 theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có mức tăng cao hơn các năm trước. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh lại nguồn vốn này, chỉ ưu tiên hỗ trợ bố trí vốn cho các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
 
Đối với các địa phương phân bổ vốn không đúng các tiêu chí và định mức đã đề ra, đề nghị Chính phủ điều chỉnh giảm số vốn đã bố trí để tăng cho các tỉnh khó khăn và đặc biệt khó khăn về kinh tế - xã hội.
 
Theo Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2011, tổng số thu cân đối NSTW là 398.679 tỷ đồng; tổng số thu cân đối ngân sách địa phương là 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NSTW năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho ngân sách địa phương.
 
Nguyễn Hiền