1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Dầu mỏ USD” hay “dầu mỏ euro”?

Tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc số ra ngày 16/3 đưa tin: Iran tuyên bố sẽ thành lập Cơ quan giao dịch mua bán dầu mỏ quốc tế vào ngày 20/3 tới và dùng euro làm đơn vị tiền tệ chính trong các thương vụ dầu mỏ chứ không dùng USD theo thông lệ.

Việc Iran quyết định dùng “dầu mỏ euro” để soán ngôi “dầu mỏ USD” được dư luận đặc biệt quan tâm.

Từ năm 1970, Mỹ đã ký thỏa hiệp bất di bất dịch với Saudi Arabia – nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất – xác định dùng USD để định giá dầu mỏ, điều này cũng đạt được sự nhất trí của các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC). Từ đó đến nay, đồng USD liên quan chặt chẽ tới dầu mỏ, bất kể ai muốn giao dịch buôn bán dầu mỏ cũng cần dự trữ USD.

Hiện nay, 2/3 giao dịch trên thế giới đều định giá bằng đồng USD, khoảng 800 tỷ đến 1.000 tỷ USD dầu mỏ đang lưu thông trên thị trường thế giới, vô hình trung mang lợi ích cho kinh tế Mỹ, tăng thêm quyền lực cho Mỹ trong việc khống chế sản xuất, vận chuyển và định giá dầu mỏ. Iran định dùng euro thay thế, chắc chắn sẽ là một “thách thức mạnh mẽ” với thói quen dùng USD trên thị trường dầu quốc tế.

Mục tiêu trước mắt của họ là giảm bớt áp lực của đồng USD, đồng thời thu hút sự ủng hộ của châu Âu trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân. Mục đích lâu dài là muốn thay đổi cục diện do Mỹ áp đặt trên thị trường dầu mỏ quốc tế.

Nhiều nước cũng có ý tưởng dùng euro thay thế USD trong các giao dịch quốc tế từ lâu: Saudi Arabia chủ trương dùng đồng dinar kết hợp với euro hoặc “một giỏ tiền tệ” các nước để phục vụ giao dịch thương mại; Malaysia công khai ủng hộ các công ty xuất khẩu dầu và khí gas thiên nhiên dùng euro để giao dịch; Nga cũng đang xúc tiến việc thành lập Cơ quan giao dịch dầu mỏ bằng đồng euro và tăng dự trữ euro thay cho USD…

Ngoài ra, do thâm hụt thương mại và các khoản nợ của Mỹ gia tăng vùn vụt khiến USD rớt giá “thê thảm” cũng khiến lòng tin vào đồng USD vơi đi.

Dù vậy, trong bối cảnh hầu hết các nước đều đang dùng dự trữ USD, các giao dịch lấy chuẩn USD nên không thể đột ngột thay đổi việc dùng euro định giá thay cho USD. Hơn nữa, xét thực lực của Iran hiện nay, mỗi ngày họ chỉ xuất khẩu 2,5 triệu thùng dầu (chỉ chiếm gần 1/10 lượng xuất khẩu của OPEC), lượng dự trữ USD và euro không lớn, nên chắc chắn chưa gây nguy hiểm cho Mỹ.

Song, việc Iran có ý tưởng soán ngôi “dầu mỏ đô la” là bằng chứng cho thấy xu hướng tất yếu của việc đa dạng hóa đơn vị tiền tệ trong các giao dịch quốc tế và định giá dầu mỏ trong tương lai.

Theo Việt Anh
Báo SGGP