1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Kon Tum

Dân "vùng khó" thoát nghèo từ sâm dây

(Dân trí) - Huyện Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo của tỉnh Kon Tum nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm gần đây, người dân bản địa đã biết tận dụng điều kiện thuận lợi của địa hình và khí hậu để phát triển cây dược liệu và cụ thể là các loại sâm dây. Đây được coi như một “đòn bẩy” đưa kinh tế bà con đồng bào "thoát nghèo" .

Dân vùng khó, thoát nghèo từ sâm dây

Cách đây hơn chục năm, cây sâm dây mọc dại đầy trên các triền đồi, lưng núi, bờ suối. Ngày ấy, sâm dây còn hoang dại vì chưa được nhiều người biết tới. Sau đó, người dân địa phương đã đào về nấu nước, ngâm rượu uống, thấy người khỏe, da hồng hào. Từ đó, cây sâm dây trở nên nổi tiếng khắp tỉnh Kon Tum và một số địa phương lân cận.

Xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) được coi là “thủ phủ” các loại sâm, nhất là sâm dây và sâm Ngọc Linh. Từ trên đường, chúng tôi đã thấy bà con đồng bào Xê-Đăng đang tất bật trên các triền đồi để làm cỏ cho cây sâm dây. “Mọi người ở đây nhà nào cũng trồng sâm dây cả, mùa này đi làm cỏ cho sâm. Trước đây, dân mình cơ cực lắm, gạo không đủ ăn, nhưng nay nhờ cây sâm mà đa phần các nhà khấm khá, sắm thêm xe máy, ti vi rồi”, anh A Rốk (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) bộc bạch.

Người dân đồng bào Xê-Đăng đang trồng dược liệu trên các sườn núi
Người dân đồng bào Xê-Đăng đang trồng dược liệu trên các sườn núi

Là một trong những hộ trồng sâm dây đầu tiên ở xã Măng Ri, gia đình chị Y’Hlạng không những đủ ăn mà còn giàu lên từ sâm dây. Chị Y’Hlạng cho biết, từ những năm 2009, người dân khai thác ồ ạt nên sâm dây tự nhiên cạn kiệt. Chính vì vậy, mỗi lần đi đào sâm chị đã lựa những củ to đem bán lấy tiền, còn củ nhỏ mang lên vườn gia đình trồng lại. Với suy nghĩ vậy, mà chị đã có sâm của nhà để đưa đi bán quanh năm. Cứ thế, những rẫy lúa, rẫy ngô được chị trồng sâm dây xen kẽ. Không ngờ, đây lại là nguồn thu nhập chính của gia đình với mỗi năm hơn 100 triệu đồng/ha. Cũng nhờ cây sâm, gia đình chị đã nuôi các con ăn học và xây được ngôi nhà kiên cố.

Các mắt của cây sâm lan rộng và cắm xuống đất tạo củ
Các mắt của cây sâm lan rộng và cắm xuống đất tạo củ

Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri, cho biết, tại xã có nhiều gia đình trồng sâm dây. Từ khi triển khai, áp dụng mô hình trồng sâm dây thì tỉ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 75% xuống còn 41%. “Hiện tại, xã đã khoanh vùng trồng sâm dây cho bà con và sắp tới sẽ nhân rộng giống sâm này. Ngoài ra, chúng tôi đang liên kết với một số công ty dược liệu để tìm đầu ra cho bà con trên địa bàn…”, ông Thành nói.

Hướng đi mới cho bà đồng bào

Theo đó, hiện nay sâm dây đang có giá từ 400.000 - 500.000đồng/kg, sâm đương quy là 40.000 đồng/kg và sâm Ngọc Linh có giá từ 40 -100 triệu đồng/kg. Đặc biệt, chỉ cần độ cao và khí hậu thích hợp thì sâm dây phát triển khá mạnh. Dù là đất cằn, sỏi đá thì sâm dây vẫn phát triển và lây lan khá nhanh. Ngoài ra, sâm dây cũng không cần nhiều phân bón hay tưới nước nên rất phù hợp với hình thức canh tác của bà con đồng bào.

Công dụng của loài sâm dây vang xa nên nhiều thương lái đổ về tìm mua khiến sâm dây dần cạn kiệt. Thậm chí, một số thương lái còn lấy cả một loài củ khác có hình dáng, màu sắc tương tự để giả làm sâm dây rồi đem để đem lên phố bán kiếm lời.

Người dân phơi sâm dây để nhập cho thương lái
Người dân phơi sâm dây để nhập cho thương lái

Trước thực tế này, Trung tâm Ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu nuôi cấy mô, nhân giống vô tính cây sâm dây và đưa vào trồng thử nghiệm trên 3,5 ha. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, kết quả thành công ngoài mong đợi. Cùng với đó, huyện Tu Mơ Rông xác định đây là loại cây giúp cho người dân “thoát nghèo” nên đã đưa ra những chính sách nhằm phát triển cây dược liệu quý này. Từ đó, cây sâm dây đã được triển khai, nhân rộng ở huyện Tu Mơ Rông.

Diện tích sâm đang được tăng dần và tìm đầu ra cho sản phẩm
Diện tích sâm đang được tăng dần và tìm đầu ra cho sản phẩm

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông cho biết, việc trồng sâm dây đã mang lại hiệu quả trực tiếp cho người dân. Hiện tại diện tích sâm dây của huyện khoảng 30 ha. Thời gian tới, huyện sẽ mở rộng quy hoạch thêm 25 ha sâm dây nữa…

“Ngoài ra, theo dự án của tỉnh Kon Tum thì sẽ phát triển loại sâm Ngọc Linh giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến 2025. Việc phát triển các cây dược liệu như sâm dây, sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu sẽ giúp công tác bảo vệ rừng và người dân cũng hưởng lợi dưới tán rừng…”, ông Mười cho biết thêm.

Nhờ khí hậu thuận lợi, quanh năm mát mẻ nên huyện Tu Mơ Rông rất thích hợp với giống cây sâm dây. Hơn nữa đây là loại cây trồng dễ chăm sóc, nhanh cho thu hoạch, đầu ra sản phẩm dễ tiêu thụ nên được xác định là loại cây thoát nghèo của bà con nơi đây. Huyện Tu Mơ Rông đang dần thoát khỏi “tiếng” là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum nhờ loại thảo dược này.

Phạm Hoàng

Dân "vùng khó" thoát nghèo từ sâm dây - 5