1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đắk Lắk bác tin thương lái Trung Quốc lũng đoạn hồ tiêu

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, tình hình sản xuất, mua bán và xuất khẩu hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk vẫn ổn định.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ngày 5/6, TTXVN dẫn lời bà Đặng Thị Phương Đông, Trưởng phòng Thương mại-Điện tử, Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, Sở có nghe thông tin thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua hồ tiêu tại thị trường Đắk Lắk gây nhiễu loạn thị trường. Khi Sở kiểm tra xác minh thì không có tình trạng này mà chỉ là tin đồn trong dân.

Tuy nhiên, Sở Công Thương Đắk Lắk cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để cảnh báo nhằm ngăn ngừa tình trạng thu mua các sản phẩm nông sản bất thường trên địa bàn tỉnh của các thương lái nước ngoài.

Đắk Lắk bác tin thương lái Trung Quốc lũng đoạn hồ tiêu
Trưởng phòng Thương mại-Điện tử, Sở Công Thương Đắk Lắk cho rằng thông tin thương lái Trung Quốc đẩy giá thu mua hồ tiêu tại thị trường Đắk Lắk gây nhiễu loạn thị trường chỉ là tin đồn. Ảnh: NLĐ

Nội dung công văn nêu rõ: “Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc các thương lái nước ngoài thông qua các đại lý trong nước thu mua hàng nông sản với những dấu hiệu bất thường như mua lá điều khô tại Bình Phước, lá mãng cầu xiêm tại Hậu Giang, lá khoai lang tại Vĩnh Long, hoa thanh long tại Bình Thuận, mầm thảo quả tại Lạng Sơn, rễ hồ tiêu tại Gia Lai…

Qua việc thu mua nông sản bất thường trên, các thương lái nước ngoài tung tin mua hàng với số lượng lớn, tạo ra nhu cầu ảo đẩy giá lên cao, thao túng thị trường; khi giá thị trường lên rất cao so với giá mua thực tế của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong nước thì thương lái biến mất. Thực chất là hàng hóa không được tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu mà chuyền tay qua lại, người hưởng lợi là thương lái nước ngoài còn thiệt hại là người nông dân và các đại lý thu mua trong nước.

Vì vậy, Sở Công Thương khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh cần nâng cao cảnh giác trước việc thu mua nông sản của các thương lái nước ngoài có biểu hiện không bình thường. Quá trình thực hiện mua bán cần làm rõ các thông tin như: mục đích thu mua, địa chỉ đối tác cần thu mua, có đăng ký kinh doanh, hợp đồng kinh tế, hình thức thanh toán…”.

Bà Đông cũng cho biết, hiện nay, tình hình mua bán, xuất khẩu hồ tiêu ở Đắk Lắk diễn ra bình thường.

Trước đó, ngày 26/5, báo Người lao động dẫn công văn của Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk gửi đến các công an các huyện, thị xã, thành phố cho biết, từ khoảng tháng 4/2015 đến nay, Phòng An ninh Kinh tế phát hiện một số thương lái Trung Quốc đã đến địa bàn tỉnh thu gom hồ tiêu, tiêu lép, các tạp chất của tiêu từ các hộ nông dân với số lượng lớn, giá cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng đến 10.000 đồng.

Sau khi thu gom, thương lái Trung Quốc tiếp tục đặt cọc tiền, ký hợp đồng với các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh nông sản với giá rất cao, mục đích tạo sự khan hiếm nguồn hàng trên thị trường. Cùng thời điểm này, nguồn hàng trong dân không còn, các doanh nghiệp và đại lý không còn hàng để giao nên các thương lái Trung Quốc thông qua thương lái người Việt dùng lượng hàng đã thu gom trước đó bán lại cho các doanh nghiệp, đại lý và cuối cùng hủy hợp đồng đã ký.

Các doanh nghiệp, đại lý ôm hàng trăm tấn tiêu đã mua với giá cao từ thương lái Trung Quốc hoặc thu gom từ các nguồn khác nhưng không thể bán theo hợp đồng đã ký. "Thủ đoạn của thương lái Trung Quốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, làm lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại cho người dân, đại lý và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh", công văn nêu rõ.

Cũng trong ngày 26/5, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, tình trạng nói trên chỉ diễn ra trong khoảng 1 tuần.

"Thương lái Trung Quốc đi cùng người Việt đến mua hồ tiêu với giá cao hơn mặt bằng giá của các công ty xuất nhập khẩu, các đơn vị này phát hiện được nên báo lại cho cơ quan chức năng, quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước đã khuyến cáo người dân không mua bán với tư thương với hình thức không rõ ràng, không địa chỉ. Bà con cũng đã có ý thức và khoảng 1 tuần sau tình hình đã yên".

Theo An Nhiên (Tổng hợp)
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”