1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại gia vung tiền chơi ngọc nghiến

Được coi là biểu tượng của sự giàu sang phú quý, thể hiện “đẳng cấp” của người sở hữu, đem lại nhiều may mắn, tài lộc, thời gian gần đây, ngọc nghiến được dân sành chơi và giới “quý tộc” săn lùng ráo riết.

Những bộ lộc bình hay bàn ghế đóng bằng ngọc nghiến có giá từ vài trăm triệu đến vài tỉ không phải là chuyện hiếm gặp. Đúng là nghề chơi cũng lắm công phu nhưng cái “nghề” này lại đang hiển hiện nhiều hệ lụy, đó là sự chảy máu tài nguyên rừng.

 

Thú chơi của "đại gia

 

Cũng không khác gì trầm hương được hình thành từ cây dó bầu, ngọc nghiến hay còn gọi dân dã là nghiến "hóa thạch", mắt nghiến, nu nghiến hay bìu nghiến là phần cứng nhất của cây gỗ nghiến, được hình thành từ một "cái lỗi" hay khuyết tật nào đó như sâu bệnh, chặt chém, bị sét đánh… trong quá trình phát triển của cây. Cây gỗ nghiến phải dồn tích dưỡng chất vào chỗ bị thương để bảo vệ và chống sự xâm nhập từ bên ngoài nên phần này phát triển dị thường, tạo những phần gỗ mọc phình ra, đó chính là ngọc nghiến. Ngọc nghiến có vân gỗ cực kỳ lạ mắt, hoa văn biến hóa độc đáo, sóng lớp cuồn cuộn như thường  chỉ thấy ở vân thép kiếm Nhật Bản, sờ vào thấy mát lạnh như chạm vào băng đá. Cây càng lâu năm, càng cổ thụ thì ngọc nghiến càng chất lượng, vân gỗ càng lung linh và đắt giá.

 

Nghiến là một loại gỗ "ngang cơ" với lim, xét ở độ cơ học, nó rất cứng, dai, bền, không mối mọt, dù chôn xuống đất cả trăm năm vẫn thế. Tuy nhiên, theo như ông Sình Chứ Và, 78 tuổi ở Pê Răng Ky, xã Huổi Xó, Tủa Chùa - vùng đất giáp ranh với Vườn quốc gia Hoàng Liên - từng bạt ngàn những cánh rừng nghiến cổ thụ, thì không phải cây nghiến nào cũng có ngọc. Ngọc nghiến chỉ có ở cây từ vài trăm năm tuổi trở lên, và không phải cây nào cũng có, có khi cánh rừng cả ngàn cây chỉ tìm được một cây có ngọc nghiến.

 

Thông thường, ngọc nghiến "hóa thạch" ở những cây nghiến cổ thụ xù xì, góc cạnh, mọc ở sát vách đá, cằn cỗi do thiếu dưỡng chất. Dân sơn tràng phải có kinh nghiệm mới phát hiện cây có ngọc. Nhưng phát hiện ra nó, nếu không biết cách chế ngự, khai thác thì chỉ làm tan đồ nghề, vì nó cứng... như đá.

 

Ngọc nghiến thường được sử dụng để đóng bàn ghế, sập, làm các đồ mỹ nghệ, trang trí như lộc bình, tượng thần tài, tượng cóc ngậm tiền v.v... Thậm chí một chiếc gạt tàn thuốc làm từ ngọc nghiến xịn ngay tại Điện Biên, Sơn La cũng có giá vài triệu đồng.

 

Người viết bài này từng sửng sốt khi đặt chân lên vùng cao nguyên Xín Chải, Tủa Chùa. Một thị trấn huyện nghèo nhất nhì tỉnh Điện Biên, dân số chưa đầy 2.000 người, nhưng lại có khá nhiều gia đình đang sở hữu những bộ bàn ghế, bộ lộc bình bằng ngọc nghiến giá trị từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Nhà Giám đốc DNTT Hưng P. còn sở hữu bộ bàn ghế, sập, giường, tủ, bộ sưu tập lộc bình to nhỏ, lớn bé theo định giá của dân trong nghề là cả chục tỉ đồng.

 

Đại gia vung tiền chơi ngọc nghiến - 1
Bộ bàn ghế 9 món bằng ngọc nghiến này có giá hơn 1,5 tỉ đồng.

 

Người ta đồn thổi người sở hữu ngọc nghiến bên cạnh việc thể hiện đẳng cấp, sự giàu sang, phú quý nó còn đem lại nhiều may mắn, tài lộc cực thịnh cho gia chủ. Thợ đóng đồ cũng phải chọn ngày tốt để thắp hương sau đó mới "khai búa", và thường chỉ làm vào những ngày đầu tháng âm lịch. Những sản phẩm từ ngọc nghiến sau khi bán cho gia chủ phải được các "thầy" yểm thì mới… linh, tài lộc mới ùn ùn kéo về (!). Chỉ các đại gia thực sự mới dám sở hữu những bộ bàn ghế, sập đóng từ ngọc nghiến. Ngọc nghiến giá trị phải là những bộ "độc nhất vô nhị", giá được nâng và nhân lên gấp bội cũng bởi gia chủ nó không thèm bán mà chỉ để ngắm chơi cho thiên hạ thèm.

 

Theo thời giá thị trường, ngay trên "đất nghiến" nổi tiếng vùng hạ lưu sông Đà ở Quỳnh Nhai (Sơn La), Tủa Chùa (Điện Biên) thì giá bộ bàn ghế bèo nhất cũng phải nửa tỉ đồng. Bộ bàn ghế tùng, trúc, cúc, mai ở Sơn La đã được một đại gia ở TP HCM sở hữu, sau đó bán cho một ông khách người Đài Loan giá ngót nghét 210 nghìn USD, khoảng 4,2 tỉ đồng. Dân chơi ngọc nghiến nhưng hầu bao vừa phải thì cũng chỉ dám "chơi" lộc bình, tượng ông thần tài, khiêm tốn hơn là: cóc ngậm tiền, cá chép, bộ uống trà...

 

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại, giá các bộ sập bằng ngọc nghiến có giá từ 800 triệu đến 1,8 tỉ đồng, bàn ghế (tùy từng loại 6 món hay 9 món) có giá từ 300 triệu đến trên dưới 1 tỉ đồng; đôi lộc bình cao 1,25m, rộng 0,3m đến 0,4m dao động từ 60 triệu đến trên dưới 200 triệu đồng, tùy từng chất "ngọc"... Người viết bài này từng mục kích đôi lộc bình tại nhà ông Trường T. ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ. Đó là bộ lộc bình cực hiếm và cực quý.

 

Theo như ông T. kể, gỗ để làm đôi lộc bình này được dân "săn" gỗ lũa vô tình phát hiện dưới lòng sông Đà, gần khu rừng Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, Sơn La cuối năm 2009.  Khối gỗ hóa thạch này trồi lên sau trận lũ trước đó. Ban đầu, dân sơn tràng vẫn nhầm tưởng đó là… đá, vì trông nó lồi lõm, xù xì, mặt trên thì bóng nhoáng, óng ánh màu đen như tảng đá. Để đưa được ra đường lớn, người ta đã phải thuê 20 trai bản lực lưỡng đánh vật với nó suốt 2 ngày trời. Hồi đó chưa rộ lên phong trào chơi ngọc nghiến, nên khối gỗ "hóa thạch" này được đưa về thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai bán cho một ông chủ đóng đồ gỗ nổi tiếng.

 

Đại gia vung tiền chơi ngọc nghiến - 2
Đôi lộc bình bằng nu nghiến (ngọc nghiến) lớn nhất Việt Nam.

 

Cũng theo lời ông T., nhóm thợ lành nghề đã mất gần 18 tháng mới thực hiện xong đôi lộc bình độc nhất vô nhị này. Tuy không sành về đồ gỗ, nhưng thực sự tôi cũng phải mê mẩn trước vẻ đẹp quý phái, sang trọng của nó.  Đôi lộc bình được chạm trổ rất công phu, phía thân để trơn nhằm khoe đường vân xanh, uốn lượn, cuộn sóng, óng ánh màu xanh đen như thép quý... Hỏi giá đôi độc bình này, chủ nhân của nó chỉ cười bí hiểm, nhưng theo như gã lái xe của ông tiết lộ, một doanh nghiệp người Đài Loan đã ít nhất 5 lần bay lên Điện Biên và trả giá hơn 3 tỉ đồng, nhưng ông này vẫn lắc đầu không bán.

 

Nhưng bộ lộc bình của ông Trường T. chỉ là "muỗi" khi đem so với bộ lộc bình của ông Hồng Sỹ Tùng ở Thái Nguyên. Đôi lộc bình này cao 1,77m; đường kính 0,45m, nặng 250kg, được các thợ lành nghề của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu gỗ Đồng Đăng (Thái Nguyên) chế tác từ một khối ngọc nghiến có tuổi đời trên 1.000 năm. Thời gian chế tác đôi lọ lộc bình này kéo dài gần 4 năm (từ tháng 8/2006 đến 10/2010), với vẻ đẹp tuyệt hảo, vân gỗ nổi rực rỡ, uốn lượn độc đáo, lạ mắt, đã được ghi nhận kỷ lục Việt Nam đôi lục bình làm bằng nu nghiến (ngọc nghiến) lớn nhất. Giá của đôi lộc bình này chưa được tiết lộ, nhưng theo dân trong nghề khẳng định thì nó… vô giá(!).

 

Phạm Văn Tr. hiện là chủ một cơ sở sản xuất và bán ngọc nghiến nổi tiếng nhất Sơn La. Những bộ sập, bàn ghế, lộc bình to vật vã, có giá nhiều tỉ đồng được anh bày bán, giới thiệu ngay ven Quốc lộ 6, đằng sau một cây xăng cũng do chính anh làm chủ.

 

Theo anh Tr. cho biết, chỗ anh cái gì cũng có, khách đặt gì anh cho thợ làm thứ đó, miễn là có mẫu. Anh Tr. tiết lộ, những bộ sập dài 3m, rộng 1,8m (gồm hai tấm ngọc nghiến rộng 0,9m có độ tuổi ít nhất là 300 năm ghép lại), dày 10 cm bằng ngọc nghiến của anh đang được bán với giá 800 triệu đồng, nhưng không có hàng mà xuất. Tháng trước, anh cũng xuất sang Trung Quốc một loạt mặt hàng mỹ nghệ bằng ngọc nghiến trị giá lô hàng lên đến cả chục tỉ đồng, trong đó có bộ bàn ghế 6 món giá hơn 1 tỉ.

 

Qua tìm hiểu được biết, thú chơi và phong trào sở hữu ngọc nghiến mới chỉ xuất hiện từ cách đây vài năm. Dăm năm trước, dân sành chơi đã sôi sùng sục và choáng váng khi tiếp cận kho báu ngọc nghiến của anh Bạc Cầm Sướm, ở thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai.

 

Là người dân tộc Thái di cư từ lòng hồ Thủy điện Sơn La, anh Sướm đã mua được hàng trăm khối gỗ từ người dân khai thác, gom nhặt sau mùa mưa lũ từ sông Đà, từ các cánh rừng nghiến được tận thu khai thác.

 

Cũng từ đây, anh phát hiện ra loại ngọc nghiến quý giá. Ngọc nghiến đã góp phần đưa anh Sướm trở thành một doanh nhân thành đạt, có giá trị tài sản lên đến hàng chục tỉ đồng. Riêng các đồ nội thất được đóng từ ngọc nghiến của anh, hàng rẻ cũng ngót nghét trăm triệu, còn phổ biến vẫn là từ 500 đến trên 1 tỉ đồng…

 

Khi ngọc nghiến bị săn lùng

 

Khi ngọc nghiến trở thành thứ hàng hóa có giá trị, sở hữu nó trở thành mốt thời thượng thì tất yếu ngọc nghiến sẽ bị săn lùng, tìm kiếm cho bằng được để đáp ứng nhu cầu của các thượng đế.

 

Chúng tôi đã lên Tủa Chùa, tìm đến tận khu vực Mường Đun, Tủa Thàng, Huổi Xó vùng đệm của Vườn quốc gia Hoàng Liên, giáp ranh với huyện Sìn Hồ (Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), được biết ở đây vẫn đã và đang xuất hiện tình trạng lén lút phá rừng để tìm ngọc nghiến.

 

Đại gia vung tiền chơi ngọc nghiến - 3
Khách hàng đang xem bộ bàn ghế và tượng ông Thần tài bằng ngọc nghiến (đang hoàn thiện) ở Loóng Luông, Mộc Châu, Sơn La.

 

Lò Văn M. - một đầu nậu khu vực này cho biết, hiện nay có 3 cơ sở (trong đó có 1 doanh nghiệp) ở đây vẫn đang thu mua ngọc nghiến của lâm tặc và người dân vùng cao. Ngọc nghiến trở nên quý giá nên cũng như gỗ sưa, nó được bán theo trọng lượng. Hiện tại ở Tủa Chùa, giá 1kg ngọc nghiến thô là 35 - 45 ngàn đồng. Một súc gỗ nghiến có kích cỡ 30x30x100cm có thể nặng 150 - 250 kg, nếu là ngọc nghiến còn nặng gấp rưỡi, gấp đôi. Lâm tặc và những người dân tiếp tay cho lâm tặc chỉ cần "ôm" một súc nghiến ra khỏi cửa rừng là có thể kiếm được cả chục triệu đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Ninh Bình, Phó trưởng Công an huyện Tủa Chùa cho biết tình trạng khai thác ngọc nghiến rộ lên ở Tủa Chùa từ cách đây 3 năm. Các cánh rừng nghiến ở Tủa Thàng, Huổi Xó, Mường Đun bị lâm tặc tàn phá mạnh nên gỗ nghiến giờ chỉ còn ở những cánh rừng xa trung tâm. Gần đây, mặc dù lực lượng công an, kiểm lâm truy quét mạnh, nhưng vẫn có tình trạng người dân lén lút khai thác trái phép gỗ nghiến để lấy ngọc. Các đối tượng mang vác bộ nhiều ngày ra đến cửa rừng, sau đó lợi dụng đêm tối, ngụy trang vận chuyển cho các đầu nậu. Dù rất cố gắng, lực lượng công an và kiểm lâm cũng không thể kiểm soát hết, bởi lực bất tòng tâm.

 

Ở Việt Nam, gỗ nghiến hiện nay hầu như chỉ còn trong rừng đặc dụng Ba Bể, Kim Hỷ (Bắc Kạn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Khau Cạ, Bát Đại Sơn, Du Già (Hà Giang), Cốc Ly, Bắc Hà (Lào Cai); Tát Kẻ - Bản Bung, Na Hang (Tuyên Quang), các cánh rừng dọc theo hạ lưu sông Đà giáp ranh giữa huyện Sìn Hồ (Lai Châu), Mường Đun, Pắc Na thuộc huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và rừng Mường Giàng, thuộc huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. Nhưng trước phong trào săn lùng ngọc nghiến, các cánh rừng ở đây đã và đang bị chảy máu. Qua thống kê của các cơ quan chức năng, hầu như ở các địa phương này đều diễn ra tình trạng khai thác trái phép và tàn phá rừng nghiến. Chỉ tính trong mấy tháng gần đây, lực lượng Kiểm lâm huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã phát hiện, thu giữ hàng trăm mét khối gỗ nghiến.

 

Ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép, tận diệt các cánh rừng gỗ nghiến cổ thụ để lấy gỗ, đặc biệt lấy ngọc nghiến là một việc không dễ dàng. Bởi lợi nhuận từ ngọc nghiến ngày càng giá trị thì lâm tặc còn hoành hành, sẽ còn nhiều người dân vì hám lợi mà tiếp tay cho lâm tặc. Việc bắt các đối tượng thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng thẳm đã khó, nhưng việc xử lý cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, do thiếu chế tài, bất cập về cơ chế chính sách. Ranh giới giữa khai thác trái phép và khai thác tận thu (vốn dĩ được phép khai thác do mở đường, do rừng bị ngập nước hồ thủy điện, do cây bị chết, cây mục…) là rất mong manh và dễ bị kẻ xấu lợi dụng để trục lợi.

 

Nghiến tuy thuộc nhóm IIA - đặc biệt quý hiếm phải được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng trong thực tế, khi nó đã được sản xuất ra thành phẩm (đã đóng thành bàn ghế, lộc bình…), thì lại không có chế tài xử lý. Chính vì vậy, nếu đã để lọt "đầu vào" thì cũng đành bất lực để "đầu ra" ngông nghênh ngoài thị trường

 

Theo Vũ Mạnh Hà
CAND