1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Đại gia” Việt đổ bộ đầu tư sang Myanmar

(Dân trí) - Trong khi Hoàng Anh Gia Lai đầu tư 300 triệu USD vào bất động sản tại Myanmar thì VNPT, Viettel cũng dự kiến "đánh" mạnh vào mảng viễn thông di động; VinaCapital, Bảo vệ thực vật An Giang tập trung cho nông nghiệp.

 
“Đại gia” Việt đổ bộ đầu tư sang Myanmar
HAGL đầu tư 300 triệu USD vào Myanmar

 
Mảnh đất vàng cuối cùng còn lại ở Đông Nam Á của doanh nghiệp Việt

Trước sự kiện đoàn đại biểu cấp cao Myanmar do Tổng thống Thein Sein dẫn đầu sang thăm chính thức Việt Nam, tờ tài chính Anh Financial Times đã có bài viết “Việt Nam – Myanmar: Điều hơn lẽ thiệt”.

Phóng viên Ben Bland đã mở đầu bài viết với việc so sánh, rằng sự quan tâm của nhà đầu tư phương Tây đối với Myanmar cho đến nay chưa tương xứng với mục đích của những chuyến viếng thăm và các tuyên bố mơ hồ.

Trong khi đó, câu chuyện đối với nhà đầu tư Việt Nam thì lại khác. Trước khi Myanmar tiến hành thực hiện chương trình cải tổ chính trị và kinh tế vào năm 2011 thì những doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều e ngại về việc kinh doanh dưới chế độ độc tài quân sự của nước này. Song hiện tại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển hướng với các kế hoạch đầu tư sắp tới.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Myanmar đến Việt Nam, tại buổi họp nhà đầu tư song phương tại Hà Nội ngày hôm qua (21/3), Chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar đã công bố một dự án đầu tư trị giá 100 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp của Myanmar và bày tỏ hy vọng sẽ còn thêm nhiều bước tiến mới được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác, bao gồm cả lĩnh vực viễn thông di động đang còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, cũng kêu gọi các nhà đầu tư Việt quan tâm nhiều hơn đến Myanmar, còn gọi là “điểm đến vàng cuối cùng còn lại ở Đông Nam Á”.

Theo thông tin từ ông Hà thì CTCP Bảo vệ thực vật An Giang , một tập đoàn về nông nghiệp và VinaCapital, một tổ chức quản lý quỹ có hoạt động tại London, đã ký kết thỏa thuận với tập đoàn Eden – một tập đoàn Myanmar được điều hành bởi “ông trùm”, Chủ tịch Hiệp hội gạo Malaysia, nhằm phát triển nhà máy chế biến nông nghiệp trị giá 100 triệu USD.

Riêng BIDV cũng đã mở văn phòng đại diện tại đường Pyay Road tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar vào năm 2011.

Tăng gấp 4 đầu tư FDI vào Myanmar

Vị Chủ tịch BIDV cho biết, hai tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam bao gồm VNPT và Viettel đang chờ giấy phép để xây dựng hệ thống điện thoại di động tại Myanmar, đất nước hiện vẫn đang chưa phát triển về hệ thống viễn thông.

Bên cạnh đó, một tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai mới đây cũng đã công bố đầu tư xây dựng khu tổ hợp mua sắm, văn phòng và nhà ở trị giá 300 triệu USD tại Yangon.

Nhìn chung, Việt Nam muốn nâng đầu tư trực tiếp vào Myanmar từ 500 triệu USD lên 2 tỷ USD và nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ 167 triệu USD vào năm 2011 lên 500 triệu USD vào năm 2015.

Ở chiều ngược lại, tác giả bài báo cũng đề cập đến việc khi Myanmar đang ngày một phát triển với những cải cách về khuôn khổ pháp lý và hệ thống tiền tệ thì một số doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu lo ngại rằng, đất nước Chùa Vàng có thể trở thành một đối thủ cạnh tranh nặng ký về đầu tư trực tiếp nước ngoài của chính Việt Nam.

Trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ Việt Nam cũng đưa tin cho biết, khi đánh giá quan hệ Việt Nam-Myanmar, Tổng thống Thein Sein đã khẳng định, mục đích chuyến thăm lần này của đoàn nhằm tăng cường, củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai đất nước.

Tổng thống Myanmar cũng cho biết thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bên đang phát triển tốt đẹp, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Việt Nam tới đầu tư tại Myanmar.

Và mối quan hệ này sẽ được hậu thuẫn bởi Quốc hội và Chính phủ hai quốc gia.

Bích Diệp