1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Đại gia ăn đậm ngàn tỷ, đánh cược tiếp 500 triệu USD

Hàng chục các nhà đầu tư tiếp tục đánh cược hàng trăm triệu USD vào “cỗ máy in tiền” số 1 của Việt Nam cho dù giá cổ phiếu đang ở mức cao kỷ lục mọi thời đại.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vừa công bố thông tin về kết quả đăng ký tham gia chào bán cạnh tranh 48,3 triệu cổ phần (3,33%) của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên .

Theo đó, có đến 19 nhà đầu tư (6 tổ chức nước ngoài, 5 tổ chức trong nước và 8 cá nhân trong nước) đăng ký mua tổng cộng 73,8 triệu cổ phần VNM. Mức giá chào mua thấp nhất là 151.200 đồng/cp.

Như vậy, các nhà đầu tư đã có kế hoạch bỏ ra tổng cộng có tối thiểu 11 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 500 triệu USD) để mua cổ phần của công ty sữa lớn nhất và cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Thời gian tổ chức đấu giá vào 14h30 ngày 10/11/2017 tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE).

Trước đó hồi cuối 2016, SCIC cũng đã có đợt thoái vốn và F&N Dairy Investments và F&NBEV Manufacturing thuộc tập đoàn sản xuất đồ uống Singapore F&N thuộc sở hữu của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đã chi ra khoảng nửa tỷ USD để mua gần 78,4 triệu cổ phần Vinamilk (5,4%) ở mức giá 144 ngàn đồng/cp.

Đại gia ăn đậm ngàn tỷ, đánh cược tiếp 500 triệu USD - 1

So với thời điểm cổ phiếu VNM ở mức 162.500 đồng/cp hiện nay, đại gia Thái đã thấy lời 18,5 ngàn đồng/cp, tương đương gần 1,5 ngàn tỷ đồng cho khoản đầu tư cuối năm 2016. Đó là chưa tính đến hàng trăm tỷ đồng cổ tức hồi tháng 5 và tháng 8/2017 (tỷ lệ 40%).

Sau cú đấu giá cuối 2016, F&N của tỷ phú Thái đã liên tiếp mua gom cổ phiếu VNM trên thị trường. F&N đang là cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk sau SCIC với tỷ lệ sở hữu gần 20%. Mới đây, F&N Dairy Investments Pte. Ltd, công ty con 100% vốn của F&N tiếp tục đăng ký mua vào thêm 21,77 triệu cổ phiếu VNM, nâng sở hữu lên 17,54%.

Trong phiên giao dịch hôm qua 9/11, VNM tiếp là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 278,02 tỷ đồng. Đóng cửa phiên giao dịch, VNM tăng 2.300 đồng (1,4%) lên 162.500 đồng và đây là cổ phiếu tác động tích cực thứ 2 tới VnIndex hôm nay, sau VIC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) trong tuần này liên tiếp lập các đỉnh cao kỷ lục mới nhờ những cổ phiếu trụ cột như Vinamil, Vingroup (VIC), Thế Giới Di Động… Dòng vốn ngoại tiếp tục tục đổ vào và là động lực để thúc đẩy thị trường đi lên.

Tham vọng và kết quả kinh doanh tốt của nhiều doanh nghiệp là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại.

Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa tính tính phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, thời hạn 5 năm trong quý IV/2017 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động; thực hiện các chương trình và dự án đầu tư; và các mục đích chung khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Chuỗi bán lẻ điện thoại di động, điện máy và sắp tới là dược phẩm MWG của ông Nguyễn Đức Tài phát triển bùng trong thời gian qua với số cửa hàng lên con só hàng ngàn. Cổ phiếu này tiếp tục hút dòng vốn lớn từ các nhà đầu tư ngoại.

VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng gây sóng trên thị trường chứng khoán với mức giá cao kỷ lục. Bà Thảo cũng đang là phó chủ tịch tại HDBank, một ngân hàng vừa báo cáo lãi kỷ lục trong quý 3, lần đầu tiên lãi trước thuế vượt ngàn tỷ đồng.

Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các CTCK, cho dù VN-Index có phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp với mức tăng nhẹ và hiện chỉ số đã chính thức vượt ngưỡng 860 điểm nhưng xu hướng tăng bền vững trong trung hạn chưa đủ điều kiện được xác nhận.

Dòng tiền vẫn đổ vào thị trường khá tốt, tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm vốn hóa lớn. Độ rộng thị trường là tiêu cực trong bối cảnh cả hai sàn đều tăng điểm cho thấy diễn biến chỉ số tăng, cổ phiếu giảm lại diễn ra trên thị trường. Áp lực chốt lời vẫn có xu hướng gia tăng nhanh trở lại ở vùng giá cao.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, VN-index tăng 0,7 điểm lên 860,4 điểm; HNX-Index tăng 0,13 điểm lên 105,87 điểm. Upcom-Index giảm 0,17 điểm xuống 52,78 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 5,1 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.

Theo H. Tú
VietnamNet