1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại biểu Quốc hội: Lương chưa tăng đã lo tăng chi phí sống!

(Dân trí) - Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh – đoàn TP. Hồ Chí Minh, việc Quốc hội thông qua phương án tăng 5% lương cho cán bộ, công chức nhà nước kể từ 1/5/2016 là tín hiệu mừng, tuy nhiên vẫn còn đó nỗi lo khi sắp tới sẽ tăng học phí, viện phí, bảo hiểm y tế…

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức tăng lương 5% đối với công chức, viên chức nhà nước vừa được Quốc hội thông qua ngày 11/11?

Nếu nói mức tăng này có đủ hay không, thì chắc chắn là không đủ. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở như Chính phủ trình và được Quốc hội biểu quyết thông qua 5% cũng là một tín hiệu mừng.

Điều đó có nghĩa là, qua ý kiến của cử tri, của đại biểu Quốc hội thì việc tăng lương cũng đã được thực hiện và Chính phủ cũng đã hết sức chắt chiu những kinh phí khác.

Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống của công chức, những người ăn lương thì ngoài vấn đề lương còn phải đảm bảo các nguồn cơ sở khác.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (TPHCM) - ảnh: Bích Diệp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Minh (TPHCM) - ảnh: Bích Diệp

Cụ thể là gì thưa ông?

Cử tri và đại biểu Quốc hội chúng tôi đang rất băn khoăn, lo lắng về lộ trình tăng học phí, viện phí. Có những gia đình thu nhập 10 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi hai con học đại học, tôi nghĩ đây là một vấn đề khó khăn. Có sinh viên phải tạm dừng học đại học để nhường “suất học” cho em. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng băn khoăn.

Ngày 15/11 tới, bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng. Cử tri phản ánh với tôi, tăng là chuyện bình thường, tuy nhiên liệu chất lượng điều trị, chất lượng giường bệnh, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh…có thay đổi so với hiện nay hay không? Hay là tăng nhưng tất cả vẫn như cũ? Dường như chúng ta đang dùng bình mới nhưng rượu vẫn cũ!

Một số ý kiến cho rằng, trở ngại của lộ trình tăng lương là do biên chế quá nhiều, năng suất lao động thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Thực tế tôi thấy, chúng ta nhận một người vào biên chế nhà nước thì rất dễ nhưng khi cho 1 người nghỉ lại là một vấn đề rất khó! Ngay trong quy định về tinh giản biên chế cũng đòi hỏi rất nhiều vấn đề.

Ai cũng biết là đã có quy trình về cán bộ, đã có mô tả về vị trí việc làm và thấy rằng đã đầy quá việc làm! Trong bộ máy nhà nước hiện tại còn tình trạng 1 việc nhưng lại rất nhiều người làm, song chưa mạnh dạn cắt giảm.

Trong tâm lý người lãnh đạo vẫn có suy nghĩ: cho nghỉ thì cuộc sống người đó sẽ thế nào? Hơn nữa, nguyên tắc tinh giản biên chế là người đó phải có 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ, không được công nhận lao động tiên tiến. Nhìn lại trong thực tế, tôi thấy tinh thần chung, đánh giá hàng năm thì ai cũng lao động tiên tiến cả.

Khi tôi hỏi tinh giản sẽ thế nào thì các đồng chí ấy trả lời với tôi: “Thôi, nó chưa tốt nhưng vẫn cho lao động tiên tiến để có thêm ít thu nhập ăn Tết!”. Như thế thì không thể nào mà tinh giản biên chế được!

Tôi đề nghị Chính phủ, nhất là Bộ Nội vụ phải rạch ròi về mô tả công việc, vị trí việc làm và phải xử lý, đặc biệt là không cho phép các đơn vị được tăng biên chế, bổ sung thêm trách nhiệm.

Ngày 1/1/2016, Luật Chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực, phân công rất rõ có bao nhiêu cấp trưởng, cấp phó; quy định ở phòng ban, cục, vụ cần bao nhiêu người…Như vậy, khi khống chế về số lượng thì những lao động dôi dư sẽ phải bị điều chuyển sang công tác khác.

Còn việc tăng lương là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu không tăng lương cho cán bộ công chức nhà nước thì vật giá bên ngoài vẫn tăng, nên phải hợp lý!

Ông suy nghĩ như thế nào về việc nhiều địa phương tuyên bố sẽ cắt giảm biên chế với số lượng lớn?

Việc tinh giản biên chế không phải nhằm mục tiêu để tăng lương. Số lượng biên chế đó thực tế đã dôi dư so với quy định. Thêm vào đó, số biên chế này cũng không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tôi nghĩ, số cán bộ vừa đủ nhưng giải quyết hiệu quả công việc còn hơn là có một đội ngũ cán bộ đông nhưng việc của dân vẫn đình trệ, không đáp ứng được, cứ chạy lòng vòng.

Biên chế có thể đông, lương có thể nhiều nhưng phải giải quyết được công việc cho dân, nếu làm được thì tốt. Tôi thấy rằng, trong quá trình xây dựng bộ máy biên chế, chúng ta đã không siết rõ trách nhiệm, nên mới mở rộng bộ máy, đơn vị nào cũng kêu thiếu, xin thêm biên chế.

Tôi tham khảo một số cơ quan thì thấy không đơn vị nào xin giảm biên chế mà đều đề nghị tăng, cứ kêu là “quá tải, quá nhiều việc”. Nhưng trong thực tế, người dân vẫn than phiền cán bộ công chức ăn lương nhà nước nhưng tiếp dân thì không đầy đủ, vẫn chậm chạp. Đó là một nghịch lý!

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng có những lãnh đạo trước khi về hưu thì lập tức nhận rất nhiều người thân, con cháu vào ngành?

Việc đưa người thân, người quen vào bộ máy nhà nước, tôi nghĩ 1 người thì không thể làm được điều đó, mà phải qua một quy trình. Nếu việc phát huy dân chủ và thực hiện nghiêm túc quy chế công việc thì sẽ không có chuyện này.

Dù vậy, tôi cho đây là những trường hợp cá biệt, chứ không phải là tất cả!

Bích Diệp (thực hiện)

 

Đại biểu Quốc hội: Lương chưa tăng đã lo tăng chi phí sống! - 2