1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Cứu” Bianfishco và kỷ niệm về chiếc bánh mỳ toàn mỡ của bầu Hiển

(Dân trí) - Coi việc “giải cứu” con nợ cũng chính là tự tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng, bầu Hiển cho biết, thời điểm mới vào tham gia tái cấu trúc Bianfishco, phải họp hành triền miên, đói đến mức ăn 1 chiếc bánh mỳ toàn bì và mỡ cũng thấy ngon lành.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Như đã đưa tin, ngày 6/5, sau hơn 2 năm tham gia tái cấu trúc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) từ bờ vực phá sản, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và ông Nguyễn Văn Lê - Tổng Giám đốc SHB đã rút khỏi ban lãnh đạo của doanh nghiệp này.

Tại thời điểm ông Hiển và ông Lê rời Bianfishco, báo cáo tài chính 2014 của doanh nghiệp vẫn cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại xung quanh hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực tài chính của Bianfishco. Thậm chí đơn vị kiểm toán có lưu ý, tồn tại sự không chắc chắn một cách trọng yếu về khả năng công ty sẽ tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động kinh doanh liên tục.

Về việc người của SHB rút khỏi ban lãnh đạo Bianfishco, phóng viên 

Về việc người của SHB rút khỏi ban lãnh đạo Bianfishco, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Hiển.

Bianfishco lỗ hơn 2.500 tỷ đồng “không phải là lớn”

Thưa ông, mới đây có thông tin ông và ông Nguyễn Văn Lê đều đã có đơn từ nhiệm để rút khỏi Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) giữa lúc công ty này còn tới 2.543,9 tỷ đồng lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2014 và năm vừa rồi, Bình An cũng phát sinh lỗ sau thuế 426,07 tỷ đồng. Liệu ngoài lý do để phù hợp với Thông tư 36 thì còn có nguyên nhân nào khác?

Hoàn toàn không. Trên thực tế thì công ty này hiện đã kinh doanh có lãi, còn lỗ là lỗ lũy kế của các năm trước để lại, lỗ đó đã được các chủ nợ của Bình An (khoảng 7 ngân hàng) khoanh nợ nên lỗ đó không phải 1 mình SHB gánh.

Thực hiện theo Thông tư 36, Chủ tịch, Tổng giám đốc của ngân hàng nếu cũng là Chủ tịch, Tổng giám đốc của Bình An thì doanh nghiệp này không được vay vốn của SHB. Thế nên chúng tôi phải rút khỏi Hội đồng quản trị.

Tôi cũng xin nói thêm, SHB hiện chỉ có 10% cổ phần tại Bình An, số cổ phần còn lại là ủy quyền của một công ty mà SHB đã tiếp nhận từ thời Habubank. Trước đây, do Habubank mua cổ phần là 10%, còn con số 50% xuất phát từ việc một khách hàng của Habubank repo (bán lại) cổ phiếu của Bình An do Bình An không có tiền trả. Để xử lý khoản nợ đó của Habubank, công ty đó phải ủy quyền SHB đứng tên cổ phần. Đây không phải là việc SHB đưa lỗ về ngân hàng mình. 

Thực tế thì lỗ lũy kế của Bình An không phải lỗ lớn vì con số đó đến từ lãi vay ngân hàng - của 7 ngân hàng chứ không phải riêng SHB. Khoản nợ này đã được các ngân hàng đã khoanh lại nhưng trên báo cáo tài chính vẫn phải thể hiện lỗ.

Vậy còn lưu ý của kiểm toán đối với khả năng hoạt động liên tục của Bình An?

Sau khi các chủ nợ đã khoanh nợ thì hoạt động của Bình An đã ổn định trở lại, họ vẫn sản xuất, xuất khẩu và có lãi. Chỉ có điều, lộ trình trả nợ cần có thời gian chứ không thể 1-2 năm mà họ trả được hết nợ.

Sau hơn 2 năm tham gia tái cơ cấu Bình An, theo ông, điều lớn nhất mà SHB làm được cho Bình An là gì, và ngược lại, công ty này mang lại gì cho SHB?

Điều đầu tiên mà SHB đã làm được cho Bình An là giúp doanh nghiệp này tránh được nguy cơ phá sản. Nếu Bình An phá sản thì điều gì sẽ xảy ra? Thứ nhất, hàng ngàn nông dân sẽ mất tiền và cũng sẽ phá sản theo; hàng vạn người nuôi cá bị đình trệ; 7-8 ngân hàng cũng sẽ bị mất vốn... 

Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Tôi còn nhớ tại thời điểm đó, trước khi SHB vào tái cấu trúc thì người nông dân đã biểu tình hàng tháng trời ở Bình An và tại nhà bà Diệu Hiền. Chỉ chậm 10 ngày nữa mà SHB không vào tái cấu trúc thì ông Trí - chồng bà Diệu Hiền sẽ không còn cách nào khác là phải giao nhà máy cho nông dân cấn trừ nợ.

Sau khi tái cấu trúc doanh nghiệp này, các ngân hàng thoát được nguy cơ mất vốn và chỉ phải khoanh nợ để Bình An hoạt động, dần dần có lãi thì sẽ trả được nợ cho ngân hàng.

Khi Bình An đã quay trở lại được với hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu thì lợi ích trước hết của SHB và những ngân hàng khác đang cho Bình An vay là khoanh được nợ, dần dần sẽ thu hồi được nợ, chứ không sẽ bị mất hết. Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu này cũng đang biến Bình An thành 1 khách hàng tốt của SHB tại thời điểm hiện tại, họ vay vốn lưu động để mua cá, chế biến và đem đi xuất khẩu. 

SHB cũng thông qua hoạt động này để xử lý được nợ xấu của Habubank, nhưng mang tính chất là một công tác xã hội, đóng góp cho cộng đồng.

Bianfishco bị kiểm toán đặt dấu hỏi về khả năng hoạt động liên tục
Bianfishco bị kiểm toán đặt "dấu hỏi" về khả năng hoạt động liên tục

“Cứu người là đang tự cứu mình”

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình, ông tham gia và quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, bất động sản, xuất nhập khẩu cho đến bóng đá và mới đây là y tế, giao thông… Liệu đã có lúc nào ông thấy mệt mỏi và muốn buông?

Làm sao có thể buông được! Nếu buông thì mình tham gia làm gì? Điều quan trọng nhất với người làm kinh doanh là phải có đam mê. Một nhà doanh nghiệp bên cạnh việc phát triển kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động thì công việc đó cũng phải là đam mê riêng của họ. Nếu đã đam mê thì sẽ không lúc nào chán nản, thậm chí lại còn hăng hái hơn! Còn nếu không đam mê, không tâm huyết, không có sự quyết tâm thì sẽ không có thành công được. Mà phải làm một việc gì mình không có đam mê, không có thành công thì đừng làm!

Ngoài điều hành ngân hàng và các doanh nghiệp riêng, việc tham gia tái cơ cấu những doanh nghiệp khác liệu có ảnh hưởng tới cuộc sống của ông?

Thú thật là công việc này tiêu tốn rất nhiều thời gian. Bên cạnh Bình An thì trong quá trình xử lý nợ, SHB và cá nhân tôi cũng đã phải tham gia tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp khác. 

Tôi còn nhớ những ngày đầu tiên vào tái cấu trúc Bình An, phải xây dựng lại toàn bộ. Lúc đó mọi thứ đều đình trệ, máy móc dừng, công nhân nghỉ việc. Năm đầu tiên phải tổ chức lại từ đầu, họp hành đến 12 giờ đêm, 1 giờ sáng. Lúc đó đói quá, ăn một cái bánh mỳ ở huyện chỉ toàn mỡ với bì, thế mà vẫn ăn hết, chứ bình thường ở Hà Nội làm gì phải ăn thịt mỡ đâu!

Hồi đó khi tái cấu trúc Bình An triền miên phải trải qua như vậy, thế nhưng đã làm thì phải quyết liệt, phải chịu khó và chấp nhận thôi. Vất vả nhưng thành công thì vẫn thấy vui.

Với những kỷ niệm đầy vất vả như vậy, liệu rằng, nếu có thêm một Bình An nữa, ông có sẵn sàng tham gia tái cấu trúc không?

Thực ra trong cuộc đời này, đã là con người thì không ai muốn lao vào vất vả cả. Nhưng khi gặp vất vả mà ai cũng né tránh thì ai sẽ là người làm đây? Hơn nữa, đã là người làm ngân hàng thì không thể nói trước điều gì. 

Có thể trong thời gian tới, trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, những người làm ngân hàng cũng sẵn sàng phải “nhảy” vào giải quyết. Khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của ngân hàng. Gọi là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thực ra chính là đang tháo gỡ khó khăn cho chính bản thân ngân hàng, hay nói cách khác là “cứu người cũng là cứu ta” vậy!

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”