1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cục trưởng Hàng không: Lỗ khoảng 50 triệu USD/năm nếu bay thẳng tới Mỹ!

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục này tin tưởng trong năm 2018 Mỹ sẽ phê chuẩn CAT1 cho Việt Nam. Theo kế hoạch, đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ sẽ được thiết lập vào cuối năm 2019 hoặc 2020, tuy nhiên ước tính sẽ lỗ khoảng 50 triệu USD/năm.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không, hiện nay máy bay Boeing 787 và Airbus 350 của Việt Nam chưa thể đáp ứng cho việc bay đầy tải tới Mỹ. Có thể dòng máy bay Boeing 777X, Boeing 787X, Airbus 350-1000 được cải tiến kỹ thuật sẽ khai thác được, nhưng hiện Việt Nam chưa có những dòng máy bay này.

“Dù bay bằng máy bay nào thì theo tính toán việc bay Mỹ ước sẽ lỗ khoảng 50 triệu USD/năm, mức lỗ này quá lớn!” - ông Thắng cho hay.

Người đứng đầu ngành hàng không Việt Nam thông tin, để có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ thì phải được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phê chuẩn năng lực giám sát hàng không mức 1 (CAT1). Đến thời điểm này, FAA đã thực hiện 2 đợt thanh sát kỹ thuật tại Việt Nam và đưa ra các khuyến cáo.


Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ lỗ khoảng 50 triệu USD/năm

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ lỗ khoảng 50 triệu USD/năm

Phía Mỹ đánh giá cao công tác an ninh an toàn của Việt Nam so với các nước trong khu vực, cùng đó nhấn mạnh 6 nội dung quan trọng mà Việt Nam đạt được, đó là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ; các tiêu chuẩn chuyên ngày đã bao quát tất cả; tổ chức hệ thống từ Bộ GTVT, nhà chức trách hàng không...; việc ứng dụng công nghệ mới theo hình thức giám sát online thông qua công cụ phần mềm, quy trình quản lý;

Nguồn nhân lực có tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là giám sát viên an toàn và thanh tra bay tăng đáng kể; Việt Nam có chuyển biến rất nhiều về các chế tài áp dụng trong thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính - điều mà phía Mỹ rất coi trọng, trong đó tất cả các vụ việc đều được bình giảng, đánh giá mức độ nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục kịp thời, báo cáo kết quả khắc phục.

Ông Thắng cho biết, sau đợt thanh sát lần 2 của FAA, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch khắc phục theo 19 khuyến cáo mà FAA đưa ra và đã có văn bản gửi chính thức gửi tới Mỹ từ giữa tháng 1/2018.

“Quan điểm của phía Mỹ là Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn của CAT1. Hiện phía Mỹ đang cân nhắc theo 2 hướng: Cử chuyên gia sang Việt Nam một đợt nữa để rà soát lại kế hoạch khắc phục, sau đó sẽ có đoàn chính thức tới Việt Nam để phê chuẩn CAT1. Nếu chuyên gia rà soát thấy kế hoạch khắc phục tốt, không có vấn đề gì đáng quan tâm nữa thì khả năng sẽ không có đoàn sang Việt Nam giám sát nữa mà công nhận luôn CAT1”, ông Thắng nói.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không, thông thường phía Mỹ sẽ xem xét thêm từ đơn của hãng hàng không xin khai thác đường bay, trong vòng 90 ngày thì phía Mỹ sẽ thanh sát. Hiện nay, Vietnam Airlines đã có đơn gửi tới Mỹ. Với những đánh giá cao từ phía Mỹ, Cục Hàng không tin tưởng trong năm 2018 FAA sẽ phê chuẩn CAT1 cho Việt Nam.

Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020
Vietnam Airlines dự kiến sẽ mở đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020

Ông Thắng cho hay, việc được công nhận CAT1 không chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động bay Mỹ mà các hãng hàng không của Việt Nam cũng rất thuận lợi trong việc liên danh, khai thác trên các đường bay. Quốc gia nào đạt được tiêu chuẩn CAT1 của Mỹ đều được đánh giá rất cao trên thế giới về tiêu chuẩn an ninh an toàn.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng đặt vấn đề cùng với việc đạt được tiêu chuẩn CAT1 thì việc duy trì CAT1 cũng là vấn đề quan trọng. Trong khu vực Đông Nam Á đã có 1 số nước có CAT1 nhưng không duy trì được và sau đó bị đưa ra khỏi CAT1 như Thái Lan, Indonesia, Philippines.

“Họ công nhận nhưng họ cũng giám sát, theo dõi liên tục thông qua các vụ việc và công tác an ninh, tiến hành thanh sát đột xuất.Khi bị đưa ra khỏi CAT1 thì hàng không các khu vực sẽ áp dụng mức CAT2, thậm chí đưa vào dánh sách đen và khi đó uy tín của hàng không quốc gia đó sẽ bị giảm xuống” - ông Thắng cho biết thêm.

Năm 2001, giao dịch thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết sau Hiệp định Thương mại song phương là Vietnam Airlines mua 4 máy bay Boeing 777-200ER của Boeing. Năm 2003, Hiệp định hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, Hiệp định này cho phép các hãng hàng không mở đường bay thẳng giữa 2 nước.

Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã mở đường bay từ San Fransisco tới TPHCM của Việt Nam nhưng transit (quá cảnh) ở Hongkong. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là vì thị trường chưa tốt.

Phía Việt Nam, từ năm 2004, Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khai thác và đã sẵn sàng bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên đến nay việc thiết lập đường bay thẳng đi Mỹ vẫn chưa thể hiện thực hoá.

Châu Như Quỳnh

Cục trưởng Hàng không: Lỗ khoảng 50 triệu USD/năm nếu bay thẳng tới Mỹ! - 3