1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

CPI tăng 4% trong 6 tháng đầu năm

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng thêm 0,4% trong tháng 6, thấp hơn tháng trước 0,2%, và đưa mức tăng chung trong nửa đầu năm nay lên 4%.

Trong tháng 5, chỉ số CPI tăng 0,6%, một mức tăng khá mạnh do tác động từ kế hoạch tăng giá xăng dầu. Còn trong tháng này, CPI vẫn tăng thêm 0,4% cùng với một số diễn biến mới.

Rõ nét nhất là các mặt hàng thuộc nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Đây là nhóm hàng có mức tăng cao nhất trong rổ hàng tiêu dùng trong tháng 6, tăng 1% do thị trường bước vào mùa xây dựng. Theo các nhà thầu, giá thép tăng đáng kể trong thời gian qua cùng với áp lực tăng giá xi măng khiến chi phí cho các công trình đang đội lên.

Đáng chú ý là sau một thời gian dài đóng băng, thị trường nhà đất đang có dấu hiệu “ấm” dần. Lượng giao dịch nhà đất đang khả quan hơn.

Diễn biến chung của CPI tháng 6 là hầu hết các nhóm hàng đều tăng. Trong đó, nhóm phương tiện đi lại bắt đầu thể hiện rõ tác động của đợt tăng giá xăng dầu vừa qua. Tuy nhiên, nhóm này được dung hòa từ sự sụt giảm của nhóm viễn thông.

Trong tháng 6, các mạng di động và điện thoại đường dài thực hiện cách tính cước mới, giá cước giảm. Riêng nhóm dịch vụ viễn thông trong tháng đã giảm tới 2,8%, một mức giảm khá mạnh so với diễn biến giá cả nói chung trong thời gian hai năm trở lại đây. Mức giảm này góp phần dung hòa nhóm hàng phương tiện đi lại và bưu chính viễn thông, chỉ tăng 0,1%.

Giá vàng và USD không nằm trong rổ hàng tiêu dùng để tính chỉ số CPI nhưng thông số tăng giảm trong tháng vẫn góp một phần lớn phản ánh diễn biến giá cả nói chung trên thị trường.

Như vậy, sau nửa năm, chỉ số CPI đã tăng 4%, bằng đúng một nửa tương ứng với mục tiêu kiềm chế của cả năm. Báo cáo 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cũng đề ra mục tiêu là quyết tâm kiềm chế mức tăng CPI thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế, không quá 8%.

Theo Trịnh Minh Đức
Vneconomy