1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Công khai, minh bạch quản lý DNNN

Cần mạnh dạn giao cho tư nhân những mảng mà doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) làm không hiệu quả. Quốc hội cần nghiên cứu quy chế để dân bầu lãnh đạo DNNN.

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế về việc quản lý DNNN tại hội thảo “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kinh tế Việt Nam 2010, triển vọng 2011” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 22/9.

Công khai, minh bạch quản lý DNNN

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, việc Thủ tướng Chính phủ trực tiếp quản lý, chỉ đạo các tập đoàn không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, cũng không có căn cứ pháp luật cụ thể. Trong thực tế, quy chế này tạo khoảng trống và kẽ hở pháp luật, tạo điều kiện để DNNN trở thành “kiêu binh”.

“Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét và quy định lại quy chế quản lý, giám sát và bổ nhiệm lãnh đạo các tập đoàn”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Ông Doanh cho rằng, muốn cải cách DNNN, trước hết phải cải cách thể chế. Không công khai, minh bạch trong bổ nhiệm các vị trí quan trọng của DN thì không thể cải cách được vấn đề của DNNN. Do đó, bổ nhiệm người quản lý DN nhà nước theo cách công khai, minh bạch, tìm người đủ năng lực, có thể tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường…
 
Công khai, minh bạch quản lý DNNN - 1
Cần mổ xẻ rõ ràng hơn về hiệu quả của DNNN.

Đồng tình với đề nghị trên, Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách công nghiệp cho rằng, Quốc hội cần nghiên cứu quy chế để dân bầu lãnh đạo DNNN, cần có kiến nghị mạnh mẽ đổi mới DNNN để tạo áp lực về chính sách mới mong sự thay đổi của các DNNN.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, lâu nay DNNN coi mình là thành phần chủ đạo và được ưu ái trong mọi lĩnh vực. Mặc dù pháp luật đã quy định không phân biệt đối xử nhưng thực tế vẫn còn sự e ngại với kinh tế tư nhân. Cần mạnh dạn giao cho khu vực tư nhân những mảng mà DNNN làm không hiệu quả.

Bà Lan đề xuất DNNN chỉ nên đóng vai trò nòng cốt trong một số lĩnh vực. Đồng thời, DNNN phải cạnh tranh bình đẳng với các DN khác, chỉ tập trung lĩnh vực then chốt, vốn ít, giảm dần đầu tư chứ không tràn lan nữa.

Hiện nay còn 1.500 DNNN nữa đang chuyển sang công ty TNHH một thành viên nhưng thực chất vẫn là DNNN. Do đó, những DN này cần phải cổ phần hóa, chỉ giữ lại một số DNNN trong một số lĩnh vực. Những DN này không được tự do kinh doanh ngoài lĩnh vực đã được nhà nước giao. Đồng thời, chấm dứt mọi sự bao cấp, bảo hộ thiên lệch cho DNNN và có lộ trình đổi mới DN.

Đóng góp không xứng tầm

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Chủ tịch HĐQT VPBank cho rằng, cần mổ xẻ rõ ràng hơn về hiệu quả của DNNN: Sử dụng nguồn lực tài nguyên thiên nhiên như thế nào, hiệu quả kinh doanh/vốn như thế nào. Đóng góp cho GDP ra sao. Xếp hạng so với khu vực/tư nhân và FDI ra sao…

Theo ông Nguyễn Quang A, thực tế năm 2008, đóng góp của DNNN vào GDP chỉ là 27,17% (chứ không phải 34% như thống kê). Vì thực tế, trên 7% còn lại là sự đóng góp của nhà nước trong các lĩnh vực: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, y tế cứu trợ…

Như vậy, đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước cho GDP không tương xứng với nguồn lực mà nó sử dụng. Thực tế, DNNN sử dụng quá nhiều nguồn lực song lại tạo ra rất ít giá trị, hoạt động kém hiệu quả. Trong khi khu vực tư nhân tạo ra khoảng 2/3 GDP.

Cũng theo ông Nguyễn Quang A, hàng công nghiệp nhẹ chủ yếu do tư nhân và FDI xuất khẩu, hàng tiểu thủ công nghiệp, nông sản, thủy sản và lâm sản chủ yếu do tư nhân sản xuất và xuất khẩu. Những mặt hàng này chiếm khoảng 2/3 xuất khẩu. Trong khi khu vực nhà nước lại chiếm tỉ trọng nhỏ trong xuất khẩu. Do đó, thực tế DNNN không hề giữ vai trò nòng cốt, chủ đạo cho nền kinh tế như kỳ vọng.

Theo Thanh Hải
Báo Pháp luật TPHCM