1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Công khai 8 dự án khai thác khoáng sản “dính” sai phạm ở Lào Cai

(Dân trí) - Bên cạnh việc chỉ ra các vi phạm, buông lỏng quản lý của UBND tỉnh cũng như sở ngành có liên quan, kết luận Thanh tra Chính phủ mới đây cũng nêu rõ việc trực tiếp thanh tra việc khai thác, chế biến khoáng sản tại 8 dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai…


Thanh tra phát hiện nhiều bê bối trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản ở Lào Cai

Thanh tra phát hiện nhiều bê bối trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản ở Lào Cai

Giao đất, sử dụng đất không đúng quy hoạch

Như Dân trí đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật trong công tác quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2005 – 2015.

Bên cạnh việc chỉ ra các vi phạm, buông lỏng quản lý của UBND tỉnh cũng như sở ngành có liên quan, Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đoàn thanh tra đã trực tiếp thanh tra việc khai thác, chế biến khoáng sản tại 8 dự án.

Theo kết luận, tại dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc, mỏ vàng Minh Lương do Công ty CP vàng Lào Cai làm chủ đầu tư có diện tích giai đoạn II của dự án là 98,32 ha/108 ha thuộc loại đất rừng đặc dụng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020.

Ngoài ra, giấy phép khai thác khoáng sản của dự án mỏ vàng Minh Lương đã hết hạn vào ngày 26/4, mặc dù chưa được gia hạn thì đến tháng 7/2016 công ty vẫn tiếp tục khai thác.

Tiếp đến, tại dự án khai thác vàng gốc, mỏ vàng Sa Phìn và Tsuha huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai do Công ty CP Nhẫn làm chủ đầu tư cũng có tổng diện tích 38,9 ha, trong đó có 9,6 ha rừng phòng hộ và 9,7 ha đất chưa sử dụng nhưng quy hoạch làm rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích đất trên không quy hoạch làm hoạt động khoảng sản.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, mặc dù Công ty CP Nhẫn đã khai thác được 10 tấn quặng Vonfram nhưng chưa kê khai sản lượng để nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Căn cứ vào giá do UBND tỉnh Lào Cai quy định, đoàn thanh tra tính số tiền thuế phải nộp bổ sung vào ngân sách là 266 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty CP Nhẫn đã khai thác vàng gốc tại khu vực Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn (Dự án của Công ty CP Khoáng sản 3 chuyển nhượng cho Công ty CP Nhẫn) khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất phần diện tích 84ha.

“Việc chuyển nhượng dự án từ Công ty CP khoáng sản 3 cho Công ty CP Nhẫn từ tháng 12/2015 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đến tháng 7/2016 mới được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép) là vi phạm Luật Khoáng sản. Trách nhiệm thuộc về hai doanh nghiệp nói trên và Bộ Tài nguyên và môi trường”, kết luận nêu rõ.

Thứ ba, tại dự án đầu tư khai thác quặng Apatit do Công ty Apatit Việt Nam làm chủ đầu tư. Qua thanh tra cho thấy, văn bản đăng ký nhiều mỏ không thể hiện được diện tích, trữ lượng, toạ độ khai thác.

Mặc dù giấy đăng ký mỏ số 148 Apa-93 không còn hiệu lực nhưng UBND tỉnh vẫn cho công ty này thuê gần 2,9 triệu m2 để công ty khai thác apatit. Thanh tra cũng phát hiện công ty này chưa nộp đủ số tiền phí bảo vệ môi trường. Theo đó, sau khi phát hiện công ty đã nộp số tiền bổ sung là hơn 12 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước hôm 31/8/2017.

Tận thu, gom apatit chưa đúng quy định

Ở dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Tác Ái do Công ty CP khoáng sản Đức Long làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho biết: Về quy hoạch khoáng sản, dự án mỏ sắt Tắc Ái quy hoạch khoáng sản 5ha, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác vượt 30 ha, vượt quy hoạch 25ha, giao đất 62 ha vượt quy hoạch 57 ha.

Việc UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 18/5/2009 cho công ty tổ chức khai thá nhưng mãi đến 2013 mới ban hành quyết định về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm Luật khoáng sản. Trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Lào Cai, Sở Tài nguyên và môi trường.

Qua kiểm tra và đối chiếu chứng từ nộp tiền của Công ty vào kho bạc nhà nước còn phát hiện một số sai phạm. Theo đó, Công ty Đức Long còn phải nộp đóng góp đảm bảo hạ tầng giao thông với số tiền là hơn 23 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại mỏ ở các dự án thác mỏ Chì, kẽm và Xưởng tuyển quặng chì kẽm tại Bản Mế huyện Si Ma Cai, do Công ty CP khai thác và chế biến khoáng sản Lào Cai làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện việc ký quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND tỉnh Lào Cai, vượt 1 năm so với giấy phép khai thác là vi phạm Luật Khoáng sản.

Thứ 6, dự án xây dựng khách sạn, nhà hàng Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama (tận thu khoáng sản apatit). Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, có quặng apatit dưới nền đất, nên công ty đã báo cáo và UBND tỉnh đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng.


Khai thác quặng apatit ở Lào Cai (Ảnh: Vietnamplus)

Khai thác quặng apatit ở Lào Cai (Ảnh: Vietnamplus)

Kết luận cũng nêu rõ, việc Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai có thông báo giới thiệu địa điểm cho Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Lilama lập dự án nhà hàng, khách sạn là không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.

Đáng lưu ý, trên thực tế diện tích 3,77 ha mặt bằng xây dựng khách sạn, nhà hàng công ty LiLama đã thu được gần 1,4 triệu tấn quặng apatit với số tiến bán được là hơn 379 tỷ đồng. Tuy nhiên việc UBND tỉnh Lào Cai cho phép tận thu, gom apatit là chưa đúng quy định.

“Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Lào Cai, Sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh cho phép Công ty Lilama tận thu, thu gom quặng apatit”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Ngoài ra, dự án tổ hợp đồng Sin Quyền do Chi nhánh mỏ tuyển Đồng Sin Quyền Lào Cai thuộc Tổng công ty khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư; dự án khai thác mỏ Caolin – Fenspat, Làng Giàng cũng có các vi phạm trong thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản và thuê đất…

Công an tỉnh vào cuộc xác minh sai phạm

Để xảy ra tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thu tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẩn trương rà soát điều chỉnh lại quy hoạch, xác định lại diện tích đối với 8 dự án, vượt quy hoạch 135,8ha, 5 dự án cấp giấy phép khai thác tận thu vượt diện tích so với hoạch vào đất rừng sản xuất, đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ, diện tích vượt quy hoạch 60,9 ha; 11 dự án cấp giấy phép không có diện tích nằm trong quy hoạch được phê duyệt, với tổng diện tích là 65,4 ha.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị việc thu hồi về ngân sách Nhà nước tổng số tiền sai phạm là gần 83 tỷ đồng.

Riêng đối với các nội dung liên quan đến dự án của Công ty TNHH Xây dựng thương mại LiLama, xác định trách nhiệm và tiến hành kiểm điệm nghiêm túc theo thẩm quyền đối với lãnh đạo UBND tỉnh, các cơ quan, cá nhân có liên quan trong việc cho phép Công ty TNHH xây dựng thương mại LiLama thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng và chủ trương cho tận thu, thu gom quặng apatit.

Xác định trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường giai đoạn 2009 – 2012 đã buông lỏng việc kiểm tra, giám sát khi Công ty LiLama thực hiện dự án.

Chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh tiến hành xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật về những sai phạm của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại LiLama trong việc tận thu, thu gom quặng apatit.

Xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi diện tích đất 3,77 ha đã cấp cho Công ty LiLama do vi phạm về tiến độ thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng.

Nguyễn Khánh

Công khai 8 dự án khai thác khoáng sản “dính” sai phạm ở Lào Cai - 3